MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bị cáo Nguyễn Tuấn Anh - cựu Phó Chủ tịch UBND TP Điện Biên Phủ cho rằng mình và thuộc cấp mặc dù làm không đúng quy định nhưng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ để Dự án Sân bay được triển khai. Ảnh: Văn Thành Chương

Vụ án Sân bay Điện Biên: Sử dụng tối đa thời gian theo quy định để nghị án

VĂN THÀNH CHƯƠNG LDO | 05/08/2023 19:26

Chiều 5.8, sau 4 ngày xét xử vụ án Sân bay Điện Biên, Hội đồng xét xử đã chuyển sang phần nghị án và thông báo sẽ tuyên án vào 14h ngày 11.8. Đây cũng là khoảng thời gian nghị án tối đa theo quy định đối với một vụ án sơ thẩm.

Như Lao Động đã thông tin, ngày 2.8 Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh Điện Biên mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Sân bay Điện Biên (vụ án Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ).

Phiên tòa dự kiến kéo dài trong 3 ngày, tuy nhiên, do tính chất phức tạp của vụ án, có đến 9 bị cáo và 65 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nên đã phải kéo dài thêm 1 ngày.

Sau 4 ngày tiến hành xét xử, Hội đồng xét xử Tòa án Nhân dân tỉnh Điện Biên đã chuyển sang phần nghị án và thông báo sẽ tuyên án vào 14h ngày 11.8.

Trong ngày xét xử thứ 4, chủ yếu diễn ra phần đối đáp giữa các luật sư, các bị cáo và những người có nghĩa vụ, quyền lợi liên quan với đại diện Viện Kiểm sát về quan điểm luận tội. Đã có rất nhiều ý kiến được đưa ra, tuy nhiên đại diện Viện Kiểm sát đều bác bỏ và bảo vệ quan điểm luận tội của mình.

Các bị cáo trong vụ án Sân bay Điện Biên tại phiên tòa, chiều 5.8. Ảnh: Văn Thành Chương

Theo đó, nhóm luật sư bảo vệ quyền lợi cho các bị cáo đưa ra một số quan điểm với 3 nội dung chính để đề nghị trả hồ sơ, điều tra bổ sung, trong đó gồm: Làm rõ vai trò của bị cáo Nguyễn Thị Khương và tách ra khỏi nhóm bị cáo không có động cơ vụ lợi, chỉ thực hiện nhiệm vụ sai quy trình dẫn đến trái pháp luật.

Nội dung thứ 2 là làm rõ số tiền thiệt hại trong vụ án, trong đó trước hết là làm rõ tính pháp lý của Văn bản giám định số 02 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc xác định các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất.

Nội dung thứ 3 là đề nghị làm rõ hành vi cấu thành tội phạm của các bị cáo khi bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất” theo quy định tại khoản 3 Điều 230 Bộ luật Hình sự.

Theo quan điểm của các luật sư, các bị cáo không có động cơ, mục đích cá nhân, không đủ điều kiện để truy tố theo điều khoản này.

Công nhân Công ty Cổ phần chế biến nông sản Điện Biên phát biểu tại phiên tòa. Ảnh: Văn Thành Chương

Đại diện Viện Kiểm sát bảo vệ quan điểm luận tội và khẳng định rằng, các bị cáo thực hiện hành vi vi phạm pháp luật dẫn đến việc gây thất thoát ngân sách Nhà nước thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi của mình.

Về việc thu hồi số tiền thất thoát mà hiện 48 công nhân của Công ty Cổ phần chế biến nông sản Điện Biên hiện đang giữ, cơ quan tố tụng đã có văn bản yêu cầu trả lại. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có một số người trả lại, những người chưa trả lại sẽ đợi sau khi có phán quyết của Tòa án để có hướng xử lý.

Đại diện một số công nhân và Công ty Cổ phần chế biến nông sản Điện Biên thì cho rằng, số tiền họ được nhận từ các quyết định thu hồi đất là đúng quy định và chính đáng nên không phải trả lại.

"Nếu bắt chúng tôi trả lại thì Nhà nước có trả lại đất cho chúng tôi không?" - Một công nhận đặt câu hỏi tại phiên tòa.

Ngày 4.8, Viện KSND tỉnh Điện Biên đã công bố bản luận tội. Theo đó, bị cáo Nguyễn Tuấn Anh - cựu Phó Chủ tịch UBND TP Điện Biên Phủ - bị đề nghị mức án 8-9 năm tù về tội “Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất”.

Các bị cáo: Phạm Trung Kiên 4-5 năm tù; Trần Xuân Mạnh 4-5 năm tù; Nguyễn Đình Hiệp 6-7 năm tù; Bùi Thị Ánh 4-5 năm tù; Bùi Mạnh Cường 5-6 năm tù về tội “Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất”.

Bị cáo Nguyễn Thị Khương 8-9 năm tù về tội “Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất”; 1-2 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Bị cáo Trần Thị Vân 7-8 năm tù về tội “Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất”; 1-2 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Bị cáo Trần Thị Hòa 36 tháng cải tạo không giam giữ về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn