MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sau 3 ngày mở lại phiên tòa xét xử các bị cáo trong vụ án Sân bay Điện Biên, HĐXX đã chuyển sang nghị án kéo dài. Ảnh: Thanh Bình

Vụ án Sân bay Điện Biên: Tiếp tục nghị án kéo dài

VĂN THÀNH CHƯƠNG LDO | 22/09/2023 15:57

Sau 3 ngày mở lại phiên tòa xét xử các bị cáo trong vụ án Sân bay Điện Biên, Hội đồng xét xử TAND tỉnh Điện Biên đã chuyển sang phần nghị án.

Sau nhiều ngày xét xử, đúng 14h chiều nay (22.9) Hội đồng xét xử (HĐXX) Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh Điện Biên đã kết thúc phần tranh tụng và chuyển sang phần nghị án.

Đến 14h30, HĐXX thông báo do vụ án có nhiều tình tiết phức tạp nên sẽ nghị án kéo dài. Đến 9h ngày 23.9 sẽ thông báo kết quả nghị án. Như vậy, đây là lần thứ 2 HĐXX phải chuyển sang nghị án kéo dài do tính chất phức tạp của vụ án này.

Trước đó, như Lao Động đã thông tin, từ ngày 2-5.8, TAND tỉnh Điện Biên mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Sân bay Điện Biên (vụ án Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ).

Sau 4 ngày tiến hành xét xử, HĐXX đã chuyển sang phần nghị án kéo dài. Sau 5 ngày nghị án, ngày 11.8, HĐXX TAND tỉnh Điện Biên quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung một số nội dung liên quan.

Cũng trong ngày 11.8, Viện KSND tỉnh Điện Biên đã có thông báo số 01/TB-VKS-P1 cho rằng quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung của TAND tỉnh Điện Biên là không có căn cứ. Do đó, Viện KSND tỉnh Điện Biên giữ quan điểm theo quyết định truy tố tại bản cáo trạng số 41/CT-VKS-P1.

Nguyễn Đình Hiệp là bị cáo duy nhất được đề nghị giảm án so với bản luận tội trước đó của VKSND tỉnh Điện Biên. Ảnh: Thanh Bình

Đến ngày 20.9, TAND tỉnh Điện Biên tiếp tục mở lại phiên tòa xét xử các bị cáo. Kết thúc phần xét hỏi, đại diện Viện KSND công bố bản luận tội, đề nghị mức án đối với 9 bị cáo, trong đó, 8/9 bị cáo được đề nghị giữ nguyên mức án như bản luận tội tại phiên tòa trước đó.

Riêng bị cáo Nguyễn Đình Hiệp bị đề nghị từ 4 - 5 năm tù, giảm từ 2 năm tù so mức với án đề nghị tại phiên tòa trước là 6 - 7 năm tù.

Ở phần tranh tụng, luật sư bào chữa cho các bị cáo tiếp tục đề nghị trả hồ sơ điều tra bổ sung vì cho rằng bản kết giám định số 02 của Cục Kinh tế và phát triển quỹ đất - Tổng Cục quản lý đất đai thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường không đúng cả về nội dung và hình thức.

Về phía đại diện Viện KSND vẫn giữ nguyên quan điểm luận tội đối với các bị cáo vì cho rằng các thiệt hại đã được viện dẫn, chứng minh, căn cứ theo các quy định của pháp luật về vấn đề bồi thường hỗ trợ. Do vậy không đồng ý việc tiếp tục trả lại hồ sơ vụ án.

Các bị cáo trong vụ án này gồm: Nguyễn Tuấn Anh - cựu Phó Chủ tịch UBND TP Điện Biên Phủ; Trần Thị Vân - cựu Giám đốc Trung tâm Quản lý đất đai; Phạm Trung Kiên - cựu Phó Trưởng Phòng Tài chính Kế hoạch; Trần Xuân Mạnh, Nguyễn Đình Hiệp - cựu Phó Trưởng Phòng TNMT TP Điện Biên Phủ.

Bùi Thị Ánh, Bùi Mạnh Cường - nhân viên phòng TNMT; Trần Thị Hoà - viên chức Trung tâm Quản lý đất đai và Nguyễn Thị Khương - nhân viên hợp đồng Trung tâm Quản lý đất đai TP Điện Biên Phủ.

Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Điện Biên, Nguyễn Thị Khương và Trần Thị Vân bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất” theo quy định tại khoản 3 Điều 230 Bộ luật Hình sự và tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 356 Bộ luật Hình sự.

Các bị cáo Phạm Trung Kiên, Trần Xuân Mạnh, Nguyễn Đình Hiệp, Bùi Thị Ánh, Bùi Mạnh Cường, Nguyễn Tuấn Anh bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất” theo quy định tại khoản 3 Điều 230 Bộ luật Hình sự

Trần Thị Hòa bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 356 Bộ luật Hình sự.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn