MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các bị cáo tại phiên xử sơ thẩm cuối tháng 5.2018. Ảnh: Q.N

Vụ án “vi phạm quy định cho vay” tại Agribank Cần Thơ: Thanh tra Chính phủ kết luận khác cơ quan điều tra

ĐÔNG ANH LDO | 03/08/2018 07:05

Báo Lao Động ngày 15.5.2018 đăng bài viết “Vụ án “vi phạm quy định cho vay” tại Agribank Cần Thơ: Vì sao định giá tài sản... rẻ như bèo?” đặt vấn đề Cơ quan an ninh điều tra (ANĐT), Công an TP. Cần Thơ định giá tài sản để xác định mức độ thiệt hại trong vụ án quá rẻ, nên TAND TP. Cần Thơ đã dừng xét xử, trả hồ sơ để bổ sung điều tra.

Một khu đất, 2 kết luận ngược nhau

Mới đây, Viện KSND TP. Cần Thơ đã ra Cáo trạng số 26/CT-VKS-P3 ngày 9.7.2018, truy tố các bị can về tội “vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” (Điều 179, Bộ luật Hình sự). Các bị cáo Lê Thanh Hải, Trần Huy Liệu và Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân tiếp tục bị kết tội “nâng khống” giá trị khu đất tại số 12 Nguyễn Trãi, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ, để thế chấp vay vốn, gây thiệt hại cho ngân hàng. Theo kết luận của cơ quan điều tra: Khu đất rộng 2.574m2, tại 12 Nguyễn Trãi, được Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân mua trúng đấu giá năm 2012 là 104 tỉ đồng. Cũng trong năm 2012, Nhân thế chấp khu đất vay vốn ngân hàng. Nhưng “Nhân thoả thuận với Hải, Liệu thống nhất nâng giá trị tài sản lên thành 231,7 tỉ đồng, cao hơn mua đấu giá gấp 2,23 lần”. Từ đó, cơ quan điều tra kết luận các bị can đã “nâng khống” giá trị đất, nhằm thế chấp tài sản, vay vốn ngân hàng.

Trong khi kết luận “nâng khống” giá trị khu đất từ cơ quan điều tra, được xem như cơ sở pháp lý để truy tố các bị cáo ra toà, kết luận thanh tra số 978/KL-TTCP ngày 22.6.2018 của Thanh tra Chính phủ lại kết luận về giá trị khu đất số 12 Nguyễn Trãi trái ngược hoàn toàn. Theo Thanh tra Chính phủ, khu đất tại số 12 Nguyễn Trãi, khi bán đấu giá, UBND TP. Cần Thơ thẩm định giá, xác định giá khởi điểm để đưa ra đấu giá không đúng quy định, xác định giá khởi điểm không chính xác. Chứng thư thẩm định giá lập ngày 30.12.2010 với giá 103,9 tỉ đồng. Ngày 7.9.2012, bán đấu giá với giá trúng là 104 tỉ đồng. Nếu căn cứ vào bảng giá đất do UBND TP.Cần Thơ ban hành năm 2010, vị trí đất trên có giá 11,7 triệu đồng/m2, năm 2012 có giá 26,6 triệu đồng/m2 (đất sản xuất kinh doanh). Như vậy, hệ số biến động giá đất do UBND TP.Cần Thơ ban hành năm 2012 so với năm 2010 là 2,26 lần. Với mức biến động giá đất như vậy, mức giá khởi điểm phải là 233 tỉ đồng (chênh 129 tỉ đồng), cao hơn nhiều so với giá trúng đấu giá.

Đối chiếu với việc Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân sau khi mua trúng đấu giá khu đất (104 tỉ đồng) và thế chấp lô đất để vay vốn ngân hàng vào năm 2012. Rõ ràng, nếu theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, Nhân, Hải và Liệu định giá lô đất 231,7 tỉ đồng là sát với giá thị trường và gần bằng với giá mà Thanh tra Chính phủ kết luận. Và như vậy, các bị can không hề vi phạm “nâng khống” giá trị đất.

Rất cần một kết luận thấu tình đạt lý

Tương tự, tại 1 bất động sản khác, có vị trí đối diện khu đất 12 Nguyễn Trãi, cùng tuyến đường là khu đất 51 Nguyễn Trãi đã được cơ quan điều tra định giá cũng gây nhiều tranh cãi. Cụ thể: Khu nhà đất số 51 Nguyễn Trãi (toà nhà Citimart, diện tích đất 3.000 m2 và 7.000m2 diện tích sàn sử dụng) là tài sản thế chấp lớn nhất liên quan trong vụ án. Tuy nhiên, khi định giá để kết tội các bị cáo, cơ quan điều tra định giá chỉ ở mức 104,4 tỉ đồng (thời điểm thế chấp tháng 2.2012) và 139,2 tỉ đồng (tại thời điểm tháng 12.2016). Đối chiếu với việc định giá khu đất 12 Nguyễn Trãi, nhờ kết luận của Thanh tra Chính phủ cho thấy, có sự trái ngược, bất cập. Vậy, trường hợp khu nhà đất số 51 Nguyễn Trãi, liệu kết quả định giá của cơ quan điều tra có chính xác, phù hợp với thực tế thị trường, hay thấp hơn giá thị trường từ 2-3 lần?. Việc định giá tài sản thế chấp vô cùng quan trọng để kết tội bị can trong vụ án. Nhưng trong vụ án này, trước tình tiết mới phát sinh, dư luận mong mỏi các cơ quan luật pháp xem xét thấu tình đạt lý để không xảy ra tình trạng oan sai.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn