MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Vụ "bay lắc" trong bệnh viện tâm thần: Người thân đối tượng nói gì?

Tùng Giang LDO | 01/04/2021 16:37
Theo người thân của đối tượng Nguyễn Xuân Quý (kẻ cầm đầu đường dây mua bán, bay lắc ma túy tại BV Tâm thần Trung ương 1), trước đây Quý cũng bình thường như những người khác; tuy nhiên, sau khi thoát chết trong vụ tai nạn nghiêm trọng, tinh thần Quý bị ảnh hưởng.

Cầm cố nhà của bố để lấy tiền tiêu xài

Liên quan đến vụ việc đối tượng Nguyễn Xuân Quý (SN 1983, trú tại tổ 22 phố Ga, thị trấn Văn Điển, Thanh Trì, Hà Nội) ngang nhiên biến phòng điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 thành nơi buôn bán ma túy, tụ điểm “bay lắc”, ngày 1.4, trao đổi với phóng viên, ông N.X.N. (SN 1950, trú tại xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, bố của Quý) cho biết, chiều 31.3, khi ông đang ở nhà riêng thì nhận được thông tin từ Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 báo Quý bị cơ quan chức năng bắt giữ về hành vi buôn bán ma túy ngay tại bệnh viện.

Ông N.X.N. chia sẻ về sự việc của người con trai. Ảnh: TG

Theo ông N., bản thân ông rất bất ngờ khi biết con trai có hành vi biến phòng điều trị tại bệnh viện thành nơi buôn bán ma túy.

Nói về bệnh tình của Quý, ông N. chia sẻ, trước đây, Quý cũng bình thường như những người khác. Tuy nhiên, sau khi thoát chết trong vụ tai nạn khiến tinh thần Quý bị ảnh hưởng.

“Năm 2016, Quý điều khiển xe chở theo nhóm bạn đi chơi. Khi về băng qua đường ray thì bị tàu hỏa tông. Vụ tai nạn khiến nhóm bạn tử vong, duy nhất chỉ còn mình nó là sống sót”, ông N. nhớ lại.

Theo ông N., sau vụ tai nạn, Quý được đưa đi Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) để điều trị. Khi ra viện, Quý có những biểu hiện bất thường về thần kinh. Đối tượng thường đi lang thang, chơi bời bạn bè. Khi gặp nạn, Quý được vợ chồng ông N. đưa về nhà chăm sóc. Quãng thời gian này, Quý thường xuyên đập phá đồ đạc, thậm chí có lần còn vác dao dọa chém ông N. Căn nhà tại đường Phan Trọng Tuệ (Thanh Trì, Hà Nội) của ông N. cũng bị Quý mang đi cầm cố để lấy tiền tiêu xài.

Khu vực trần nhà được đối tượng Quý dùng làm nơi cất giấu ma túy. Ảnh: TG

Vì lo sợ bệnh tình của con trai có thể đe dọa đến tính mạng của người thân, ông N. đã đưa Quý vào điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1. Đều đặn hàng tháng, gia đình cử người vào thăm nom đối tượng.

Tuy nhiên, những lần thăm khám này, gia đình ông N. không phát hiện con trai có biểu hiện gì bất thường cho đến khi cơ quan chức năng thông báo sự việc Quý buôn bán ma túy tại đây.

Đối tượng bị tâm thần có thể xử lý hình sự?

Cũng liên quan đến vụ việc này, trao đổi với Lao Động, luật sư Quách Thành Lực (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) khẳng định, Bộ luật Hình sự cũng đã có quy định rõ ràng về tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự của đối tượng.

Cụ thể, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Theo vị luật sư, khi một người phạm tội mà có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần thì Cơ quan cảnh sát điều tra buộc phải đưa người đó đi giám định. Nếu kết luận khẳng định tại thời điểm phạm tội bệnh nhân mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi, điều đó đồng nghĩa với việc người này không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội mình thực hiện.

“Vì lý do này, có những đối tượng lợi dụng, bỏ tiền, vật chất mua chuộc, câu kết với người có thẩm quyền để làm ra các giấy chứng nhận tâm thần để chạy tội, việc này phần nào gây khó khăn cho Cơ quan điều tra khi xử lý”, luật sư Lực phân tích.

Căn phòng nơi Quý “bay lắc” tại BV Tâm thần Trung ương 1. Ảnh: TG

Ở trường hợp ngược lại, đối tượng được xác định không có bệnh, người này phải chịu trách nhiệm hình sự về tội mình đã thực hiện.

Ngoài ra, trong trường hợp nếu phát hiện còn người khác cũng được giả mạo hồ sơ khám bệnh, vị luật sư đề nghị phải xử lý nghiêm cả những cán bộ đã tham gia vào việc này.

Theo luật sư Lực, nếu có những dấu hiệu này, vụ án hoàn toàn có thể được mở rộng điều tra. Tại Điều 382, Bộ Luật Hình sự 2015 quy định, người làm công tác giám định tâm thần nếu cố tình cung cấp sai sự thật tài liệu, khai báo gian dối dẫn đến việc kết án oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm thì có thể bị phạt tù từ 3 - 7 năm, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn