MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sản phụ bị tài xế bỏ mặc bên đường trong lúc chuyển dạ sinh con vẫn đang nằm điều trị tại Bệnh viện. Ảnh: Đình Trọng

Vụ bỏ rơi sản phụ: Dấu hiệu Tội không cứu người trong tình trạng nguy hiểm?

Huân Cao LDO | 21/08/2019 12:51

Dư luận đang bức xúc trước hành vi của một tài xế ở Bình Phước đã yêu cầu sản phụ xuống xe trong lúc đang chuyển dạ sắp sinh. Trong khi một số luật sư cho rằng khó truy cứu trách nhiệm hình sự của tài xế trong trường hợp này, thì một số luật sư khác lại cho biết có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về "Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng".

Sáng 21.8, trao đổi với phóng viên báo Lao Động, luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó chủ tịch Hội Luật gia thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong nhiều ngày qua ông đã nghiên cứu hành vi của tài xế bỏ sản phụ giữa đường, nhận thấy hành vi này đủ yếu tố truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo luật sư Hậu, hành vi của tài xế yêu cầu sản phụ ra khỏi xe, trong lúc đang chuẩn bị sinh nở là trong tình huống nguy hiểm đến tính mạng cho mẹ và thai nhi.

Bởi lẽ, trong hoàn cảnh đó người tài xế có điều kiện để giúp người sản phụ vượt qua tình trạng nguy hiểm này, nhưng lại bắt sản phụ xuống xe và bỏ mặc, nên càng làm tăng thêm tình huống nguy hiểm cho sản phụ và thai nhi.

"Khi bị yêu cầu xuống xe, sản phụ phải sinh con bên lề đường không có điều kiện để hỗ trợ y khoa, đồng thời cháu bé sau đó đã tử vong khi chào đời. Hành vi này có dấu hiệu của "Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng quy định tại Điều 132 Bộ luật hình sự 2015" - luật sư Hậu nói.

Luật sư Hậu cũng phân tích thêm thông tin, trong quá trình điều tra, nếu cơ quan chức năng làm rõ được nguyên nhân cháu bé tử vong là do tài xế bỏ rơi, thì hành vi của tài xế còn có thêm dấu hiệu "Tội vô ý làm chết người" tại Điều 128 Bộ luật hình sự 2015.

Đồng tình với quan điểm này, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - Hội Bảo vệ quyền trẻ em thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: "Chúng ta không thể lập luận theo kiểu thai nhi chưa ra đời thì không được tính là một sinh mạng nên tài xế khó bị truy trách nhiệm hình sự. Tôi nhận thấy, trong trường hợp này, tài xế đã bỏ mặc sản phụ, gây nguy hiểm đến tính mạng cho cả sản phụ và thai nhi. Điều này, đã đủ yếu tố để truy cứu trách nhiệm hình sự về "Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng".

Một lãnh đạo Viện kiểm sát Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh cho biết, lực lượng công an và Viện kiểm sát cần vào cuộc điều tra một cách khẩn trương, để làm rõ hành vi của tài xế.

"Để kết luận hành vi của tài xế có tội hay không có tội, chúng ta cần chờ kết quả điều tra của các cơ quan chức năng. Pháp luật đã có đầy đủ quy định đề cập đến "Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng", "Tội vô ý làm chết người".

Trong quá trình điều tra, lực lượng công an và Viện Kiểm sát sẽ căn cứ và đối chiếu với các quy định pháp luật này để xác định hành vi tài xế có phạm tội hay không" - lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh nói.

Hiện Công an huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước đã vào cuộc  điều tra làm rõ vụ sản phụ Vy Thị Yến (32 tuổi, trú xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng) bị tài xế Nguyễn Đức Nhạc (46 tuổi, Bình Phước) bỏ rơi dọc đường khi đưa đến bệnh viện sinh nở.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn