MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hình ảnh cắt từ Clip.

Vụ cán bộ xã đá vật dụng của dân: Nếu thiệt hại từ 2 triệu đồng trở lên, có thể khởi tố vụ án

Luật sư Nguyễn Tiến Mạnh LDO | 04/10/2017 12:23
Dư luận đang xôn xao khi một clip được post trên mạng xã hội ghi lại hình ảnh Trưởng Công an xã Quảng Điền, huyện Krông Na (Đắk Lắk) lật, đạp, đá các thúng, thau đựng cá, rau của bà con trên đường. Chánh văn phòng HĐND, UBND huyện Krông Na Phạm Ngọc Hùng đã xác nhận thông tin này, nhưng chỉ cho rằng đó là “hành động phản cảm”.

Tuy nhiên, nhìn dưới góc độ pháp luật, luật sư Nguyễn Tiến Mạnh, Giám đốc Cty Luật TNHH Hồng Long, Đoàn Luật sư TPHCM, cho rằng, trường hợp này cần phân tích kĩ, nếu thực hiện theo kế hoạch, chủ chương của chính quyền địa phương thì cần phải có thành phần tham gia, đồng thời phải thực hiện đúng chức trách trong thi hành công vụ. Tức là tuân thủ về trình tự, thủ tục pháp luật quy định về dẹp lòng lề đường, nếu làm sai thì bị xử lý kỉ luật do đã thực thi công vụ trái pháp luật.

Còn nếu không có kế hoạch của cơ quan có thẩm quyền mà tự ý đi thực hiện hành vi nêu trên thì cần phải định giá thiệt hại về tài sản, nếu giá trị thiệt hại từ đủ 2 triệu đồng trở lên thì cơ quan điều tra phải khởi tố vụ án hình sự. Vì nguyên tắc trong Nhà nước pháp quyền là cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức chỉ được làm những gì pháp luật cho phép.

Điều 143, Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định về Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản như sau:

1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: a) Có tổ chức; b) Dùng chất nổ, chất cháy hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác; c) Gây hậu quả nghiêm trọng; d) Để che giấu tội phạm khác; đ) Vì lý do công vụ của người bị hại; e) Tái phạm nguy hiểm; g) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân: a) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn