MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nguyễn Thị Hà Thành bị cáo buộc chiếm đoạt hơn 433 tỉ đồng. Ảnh: Việt Dũng

Vụ chiếm đoạt 433 tỉ: 3 ngân hàng không muốn là bị hại của siêu lừa

Quang Việt LDO | 27/02/2024 09:19

Trong vụ án siêu lừa Nguyễn Thị Hà Thành chiếm đoạt hơn 433 tỉ đồng, NCB, PVcomBank và VietABank đều không muốn là bị hại, song toà sơ thẩm không chấp nhận và tuyên để 3 ngân hàng này giữ nhiều sổ tiết kiệm hàng trăm tỉ đồng.

Sắp tới đây, TAND Cấp cao tại Hà Nội sẽ mở phiên phúc thẩm xét xử vụ án “siêu lừa” Nguyễn Thị Hà Thành chiếm đoạt hơn 433 tỉ đồng của 3 ngân hàng và 4 cá nhân.

Ngoài Nguyễn Thị Hà Thành, 12 bị cáo khác (trong số 26 người) cũng có đơn kháng cáo. Phía bị hại là Ngân hàng PVCombank, NCB, VietABank cũng kháng cáo bản án sơ thẩm.

Ngoài ra, còn có 5 đại gia không được tòa sơ thẩm tuyên trả lại sổ tiết kiệm hàng trăm tỉ đồng, cũng có đơn kháng cáo về phần dân sự.

Trong vụ án, cấp sơ thẩm xác định Nguyễn Thị Hà Thành cùng đồng phạm thực hiện 4 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản của NCB là 47,5 tỉ đồng; của PVcomBank là 49,4 tỉ đồng. Tại VietABank, Nguyễn Thị Hà Thành cùng đồng phạm gây ra 21 vụ lừa đảo, chiếm đoạt của ngân hàng này hơn 273,8 tỉ; của bà Nguyễn Thị Thu Hà 5 tỉ; ông Vũ Đức Tùng 19,5 tỉ; Vũ Thành Luân 9,5 tỉ; Triệu Hùng Cường 29 tỉ đồng.

Cấp sơ thẩm xác định 3 ngân hàng và các cá nhân trên là những bị hại. Tuy nhiên, trong bản án sơ thẩm nêu về việc, đại diện NCB đề nghị chuyển tư cách tham gia tố tụng với ngân hàng từ bị hại sang người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Sở dĩ đề nghị như vậy, bởi các ngân hàng này muốn được lấy lại tiền bị Thành chiếm đoạt.

Các sổ tiết kiệm trị giá hàng trăm tỉ của các đại gia gửi tại các ngân hàng này theo đó sẽ được sử dụng để xử lý những khoản vay của Thành.

Cụ thể, đại diện NCB cho rằng, bản chất các giao dịch của Thành và vợ chồng đại gia Đặng Nghĩa Toàn là giả tạo nhằm che đậy giao dịch cho vay. Họ đề nghị số tiền trong sổ tiết kiệm của vợ chồng đại gia Toàn được dùng khấu trừ xử lý của khoản vay mà Thành đã thực hiện; đồng thời đề nghị vợ chồng đại gia Toàn hoàn trả tiền lãi đã nhận (hơn 1,3 tỉ đồng).

Tương tự, đại diện PVcomBank cũng không muốn làm bị hại trong vụ án mà muốn được thay đổi sang tư cách tố tụng là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Họ đề nghị huỷ các sổ tiết kiệm, ngân hàng được dùng số tiền trong sổ tiết kiệm (52 tỉ đồng của vợ chồng ông Toàn gửi tại ngân hàng) để xử lý khoản nợ PVcomBank đã cho công ty liên quan đến Thành và đồng phạm vay tiền.

VietABank trong vụ án mang hai tư cách vừa bị hại, vừa người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Song đại diện nhà băng này chỉ muốn là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Họ đề nghị số tiền trong các sổ tiết kiệm tại VietABank sẽ được tất toán cho các khoản Thành vay tại ngân hàng này.

Tuy nhiên, tòa cấp sơ thẩm nhận định NCB, PVcomBank, VietABank giữ tư cách bị hại trong vụ án, đồng thời tuyên ba ngân hàng này được tiếp tục tạm quản lý 122 tỉ đồng đứng tên vợ chồng đại gia Đặng Nghĩa Toàn cùng hàng chục tỉ đồng của 4 đại gia đứng tên đồng sở hữu với Thành.

Số tiền lớn của các đại gia được xử lý như thế nào, việc ngân hàng có được tạm giữ các sổ tiết kiệm, cũng như tư cách tố tụng, mức án với những người kháng cáo tới đây sẽ được cấp phúc thẩm đưa ra phán quyết cuối cùng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn