MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Siêu lừa Nguyễn Thị Hà Thành tại phiên toà sơ thẩm. Ảnh: Quang Việt

Vụ chiếm đoạt 433 tỉ: Siêu lừa Nguyễn Thị Hà Thành và nhiều đại gia kháng cáo

Việt Dũng LDO | 24/01/2024 11:42

Theo lịch xét xử, hôm nay (24.1), TAND Cấp cao tại Hà Nội đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án “siêu lừa” Nguyễn Thị Hà Thành chiếm đoạt hơn 433 tỉ đồng của 3 ngân hàng và 4 cá nhân.

Tuy nhiên, trước ngày xét xử, TAND Cấp cao tại Hà Nội nhận được đơn xin hoãn phiên tòa của các bị cáo Lê Thị Hiên (giao dịch viên VietABank), Bùi Văn Tuấn (cán bộ PVCombank), Nguyễn Hồng Trung (nhân viên NCB) với lý do bị ốm.

Để đảm bảo quyền lợi cho các bị cáo và những người tham gia tố tụng, TAND Cấp cao tại Hà Nội quyết định hoãn phiên tòa. Thời gian mở lại phiên tòa chưa được ấn định.

Trước đó, Nguyễn Thị Hà Thành và 12 bị cáo khác (trong số 26 người) có đơn kháng cáo. Phía bị hại là Ngân hàng PVCombank, NCB, Việt Á cũng kháng cáo bản án sơ thẩm.

Ngoài ra, còn có 5 đại gia không được tòa sơ thẩm tuyên trả lại sổ tiết kiệm hàng trăm tỉ đồng, cũng có đơn kháng cáo về phần dân sự.

Theo bản án sơ thẩm, Nguyễn Thị Hà Thành (40 tuổi, ở Hà Nội) đã thực hiện 27 vụ lừa đảo, chiếm đoạt tổng số tiền hơn 433 tỉ đồng. Do kinh doanh thua lỗ, “siêu lừa” đã nợ khoảng 80 tỉ đồng.

Giai đoạn 2016 đến 2018, Nguyễn Thị Hà Thành dùng chiêu vay tiền với lãi suất cao, lấy của người sau trả cho người trước để tạo lòng tin và cũng trở thành khách VIP của các ngân hàng.

Nguyễn Thị Hà Thành đã câu kết với 17 người là cựu cán bộ, nhân viên NCB, VAB và PVCombank để lập các sổ tiết kiệm đồng sở hữu giữa mình với các “đại gia”, hứa hẹn trả lãi ngoài cao.

Sau đó, Thành giả mạo chữ ký của các đồng sở hữu để cầm cố sổ tiết kiệm và được các ngân hàng giải ngân. Các cựu cán bộ ngân hàng đã giúp Nguyễn Thị Hà Thành hợp thức hồ sơ, soạn hợp đồng tiền gửi trái quy định.

Họ bỏ qua nhiều bước xác minh như không gặp trực tiếp chủ tài sản đảm bảo, lập tờ trình cấp tín dụng dù hồ sơ giả mạo, chưa qua thẩm định..., qua đó giúp Nguyễn Thị Hà Thành vay tiền bằng tài sản của người khác.

Tổng cộng, Nguyễn Thị Hà Thành đã chiếm đoạt của NCB 47,5 tỉ đồng, PVComBank 49,4 tỉ đồng, VAB hơn 273 tỉ đồng và của 4 cá nhân khác 63 tỉ đồng.

Thực hiện hành vi phạm tội, bị cáo Thành vay tiền của ông Đặng Nghĩa Toàn bằng hình thức yêu cầu người này gửi tiền vào NCB qua 4 sổ tiết kiệm. Thành giữ các sổ này. Bị cáo dùng sổ tiết kiệm và giả chữ ký của vợ chồng ông Toàn trong các hồ sơ để vay NCB 47,5 tỉ đồng rồi chiếm đoạt.

Tương tự, bị cáo Hà Thành vay của ông Đặng Nghĩa Toàn 52 tỉ đồng bằng hình thức yêu cầu ông này gửi tiền tiết kiệm vào Ngân hàng PVcomBank. Thành dùng các sổ tiết kiệm này vay gần 50 tỉ đồng.

Tại Ngân hàng Việt Á, bị cáo Thành cũng nhờ ông Toàn và nhiều người khác gửi tiền. Cán bộ ngân hàng đã giúp bị cáo lập hợp đồng tiền gửi trái quy định đưa cho những người này làm tin, sau đó lập sổ tiết kiệm đưa cho bị cáo Thành.

"Siêu lừa" dùng các sổ tiết kiệm này làm tài sản đảm bảo, vay và chiếm đoạt 273 tỉ đồng của ngân hàng và 63 tỉ đồng của nhiều người khác. Ngoài ra, Nguyễn Thị Hà Thành còn vay nặng lãi một số người.

Cấp sơ thẩm đã tuyên phạt Nguyễn Thị Hà Thành tù chung thân tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". 25 người còn lại bị tuyên phạt từ 12 tháng cải tạo không giam giữ đến 18 năm tù giam về các tội danh.

Tòa sơ thẩm tuyên ba ngân hàng được tiếp tục tạm quản lý là 122 tỉ đồng đứng tên vợ chồng đại gia Đặng Nghĩa Toàn cùng hàng chục tỉ đồng của 4 đại gia đứng tên đồng sở hữu với Thành.

Ba đại gia còn lại được toà tuyên buộc VietAbank trả lại tiền, không phong toả sổ tiết kiệm, với lý do số tiền họ đồng sở hữu với Thành không phải quan hệ vay nợ. Nếu ngân hàng không thực hiện, những người này có quyền khởi kiện VietAbank tại vụ án dân sự khác.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn