MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Siêu lừa Nguyễn Thị Hà Thành và các bị cáo tại phiên phúc thẩm vụ chiếm đoạt 433 tỉ đồng. Ảnh: Quang Việt

Vụ chiếm đoạt 433 tỉ: Thỏa thuận chốt mua cổ phần của siêu lừa bất thành

Việt Dũng LDO | 24/05/2024 19:17

Trong phiên tòa phúc thẩm vụ Nguyễn Thị Hà Thành chiếm đoạt 433 tỉ đồng, một nhà đầu tư chấp thuận mua cổ phần của siêu lừa để bị cáo có cơ hội khắc phục hậu quả song không thành.

Ngày 24.5, TAND Cấp cao tại Hà Nội mở lại phiên tòa phúc thẩm xét đơn xin giảm nhẹ của siêu lừa Nguyễn Thị Hà Thành cùng các bị cáo khác vụ lừa đảo 3 ngân hàng, 4 cá nhân chiếm đoạt hơn 433 tỉ đồng và kháng cáo của cá nhân, tổ chức liên quan.

Phiên tòa lần trước mở cách đây khoảng 1 tháng và đã tạm dừng do xuất hiện một doanh nghiệp bất động sản muốn mua lại cổ phần của bị cáo Hà Thành tại dự án MHD.

Theo hồ sơ vụ án, Hà Thành đưa tiền cho bị cáo Nguyễn Thanh Tùng để mua số cổ phần tương đương 20% cổ phần tại Công ty MHD. Sau đó, số cổ phần này đã được thế chấp cho Ngân hàng Việt Á.

Tại phiên tòa lần này, bị cáo Hà Thành cho biết, giữa bản thân mình, bị cáo Nguyễn Thanh Tùng (người Hà Thành đưa tiền mua và đứng tên cổ phần), Ngân hàng Việt Á và nhà đầu tư đã có trao đổi. Bị cáo đồng ý bán số cổ phần để có nguồn tiền khắc phục hậu quả vụ án và các bên đồng ý ra tòa để có con số cụ thể.

Bị cáo Nguyễn Thanh Tùng (không kháng cáo, được tòa phúc thẩm triệu tập tới phiên xử) cũng đồng ý bán số cổ phần để khắc phục hậu quả vụ án. Còn Ngân hàng Việt Á cho biết, đã có công văn gửi HĐXX nội dung xác nhận số cổ phiếu này hiện chưa được giải chấp, nếu các bên đồng ý giao dịch thì ngân hàng sẽ làm thủ tục giải chấp theo quy định.

Đại diện nhà đầu tư cho biết, doanh nghiệp này có dự kiến mua lại cổ phần và đã tìm hiểu, xác minh, cử luật sư gặp mặt đàm phán. Sơ bộ về con số thì để sở hữu số cổ phần, nhà đầu tư phải trả thêm cho bị cáo Hà Thành 30 tỉ đồng để giải quyết khó khăn ngoài số tiền khắc phục hậu quả.

Tuy nhiên, nhà đầu tư đề nghị giao dịch phải được ký kết tại tòa và có sự xác nhận của Công ty MHD.

Nguyên nhân, theo giải thích của nhà đầu tư, quá trình đàm phán trao đổi, họ được biết số cổ phần đứng tên bị cáo Tùng và bị cáo Tùng đã ký tên chuyển nhượng cho ông Nguyễn Ngọc Phương và ông Phương đã được Công ty MHD cấp sổ cổ đông, đang được chào bán.

Ngoài ra, một người khác là ông Phú cũng nói bị cáo Tùng đã thế chấp số cổ phần này cho ông trước khi thế chấp cho Ngân hàng Việt Á. Bị cáo Tùng cũng xác nhận có thế chấp cho người này.

Do đó, nhà đầu tư chốt lại, cần làm rõ vấn đề sở hữu cổ phần để tránh sau khi giao dịch họ sẽ bị phủ quyết quyền cổ đông. Trường hợp Công ty MHD xác nhận cổ phần là hợp pháp, xác nhận quyền cổ đông thì họ sẵn sàng giao dịch ngay trong hôm nay.

Như vậy, việc thỏa thuận mua lại số cổ phần này ngay tại phiên tòa để bị cáo Hà Thành có nguồn tiền khắc phục hậu quả vụ án không thành.

Trước đó, tại phiên phúc thẩm ngày 27.3, Viện KSND Cấp cao tại Hà Nội đã bác kháng cáo xin giảm nhẹ mức án tù chung thân của Hà Thành về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Ngoài ra, cơ quan công tố cũng đề nghị HĐXX bác kháng cáo của 9 người khác. Ba bị cáo được Viện Kiểm sát đề nghị giảm mỗi người 3 tháng đến 1 năm tù, do khắc phục thêm tiền, vai trò thứ yếu trong vụ án.

Ngoài kháng cáo phần hình sự của các bị cáo này, một loạt các cá nhân, doanh nghiệp, ngân hàng cũng kháng cáo về phần dân sự, song đều bị Viện Kiểm sát đề nghị bác bỏ.

4 đại gia còn lại, trong đó có ông Đặng Nghĩa Toàn yêu cầu cấp phúc thẩm tuyên các ngân hàng giải phong tỏa để họ rút tiền về cũng bị đề nghị bác.

Theo Viện Kiểm sát, 4 đại gia này có quan hệ vay nợ với Hà Thành. Họ bị cho rằng, ham lãi suất cao do Hà Thành hứa hẹn nên tạo các hợp đồng giả cách về việc đồng sở hữu sổ tiết kiệm với bị cáo để vừa nhận lãi ngân hàng, vừa nhận lãi thưởng mà Thành hứa hẹn.

Sổ tiết kiệm của họ bị tòa sơ thẩm tuyên để nguyên tại các ngân hàng, chịu phong tỏa để đảm bảo nghĩa vụ bồi thường dân sự mà Thành gây ra cho 3 ngân hàng.

Theo hồ sơ vụ án, do cần tiền làm ăn và chi tiêu, "siêu lừa" Hà Thành tìm những người có tiền để vay hoặc rủ rê hợp tác để chứng minh tài chính rồi chiếm đoạt với mục đích cá nhân.

Cơ quan tố tụng xác định, số tiền Hà Thành chiếm đoạt tại ngân hàng VAB là 247 tỉ đồng; NCB là 47,5 tỉ đồng; PVCombank là 49,4 tỉ đồng và các cá nhân khác là hơn 60 tỉ đồng.

Số tiền chiếm đoạt, Thành sử dụng để chi tiêu cá nhân, trả tiền lãi, mua cổ phần.

Sáng mai (25.5), tòa tuyên án.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn