MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phạm Trung Kiên - cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế hôm hầu toà vụ chuyến bay giải cứu. Ảnh: Quang Việt

Vụ chuyến bay giải cứu: 4 lần nộp tiền giúp cựu Thư ký Thứ trưởng thoát tử

Quang Việt LDO | 04/08/2023 10:05

Phạm Trung Kiên - cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế nhận hối lộ 42,6 tỉ đồng trong vụ chuyến bay giải cứu thoát án tử hình, bởi đến "giờ chót" nộp gần hết số tiền hưởng lợi.

Phạm Trung Kiên là một trong 4 bị cáo lĩnh tù chung thân - mức án cao nhất trong số 54 người liên quan vụ chuyến bay giải cứu, bị TAND TP Hà Nội tuyên phạt hôm 28.7 vừa qua.

Trước khi nhận mức án trên, Kiên bị Viện KSND TP Hà Nội đề nghị tử hình về tội "Nhận hối lộ".

Viện Kiểm sát đánh giá, bị cáo nhận hối lộ với số lần nhiều nhất, với tổng số tiền nhiều nhất và thủ đoạn cũng trắng trợn nhất trong số các bị cáo với 253 lần nhận hối lộ, với tổng số tiền là hơn 42,6 tỉ đồng.

Khi vụ án bị khởi tố, bị cáo Kiên đã chuyển khoản trả lại cho các doanh nghiệp và cá nhân đưa hối lộ số tiền hơn 12,2 tỉ đồng.

Đến thời điểm Viện Kiểm sát luận tội đề nghị mức án tử hình với Kiên về tội "Nhận hối lộ", bị cáo đã tác động gia đình nộp 15 tỉ đồng khắc phục hậu quả.

Tuy nhiên, lần đối đáp với các luật sư, bị cáo, Viện Kiểm sát vẫn giữ quan điểm truy tố, đề nghị mức án trên với Kiên.

Đến ngày 18.7, sau một tuần xét xử, vợ của bị cáo Kiên đã tiếp tục đi nộp 8 tỉ đồng, khắc phục cho chồng. Theo đó, tổng cộng Kiên đã khắc phục hơn 35 tỉ đồng (cả tiền trả cho các doanh nghiệp đưa hối lộ).

Đến ngày 24.7, toà đã nhận được biên lai thể hiện gia đình bị cáo Phạm Trung Kiên đã nộp thêm 7 tỉ đồng, khắc phục hậu quả.

Cũng chính việc nộp tiền trên đã "giúp" Kiên thoát án tử.

Việc nộp tiền khắc phục được toà ghi nhận, nêu trong bản án sơ thẩm rằng: Quá trình điều tra và tại phiên toà, bị cáo đã thành khẩn, tác động gia đình khắc phục trên 42 tỉ đồng...

Trên cơ sở chính sách khoan hồng của pháp luật, HĐXX xác định, không cần thiết phải áp dụng loại bỏ vĩnh viễn bị cáo ra khỏi đời sống xã hội mà chuyển sang mức hình phạt khác, thấp hơn đề nghị của Viện Kiểm sát cũng đủ tác dụng giáo dục, phòng ngừa chung.

Đồng thời khuyến khích những người có hành vi tham nhũng, thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác với cơ quan chức năng, nộp tiền khắc phục hậu quả được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật.

Theo đó, toà sơ thẩm đã tuyên phạt mức án tù chung thân cho bị cáo.

Theo dõi diễn biến vụ án, ngày 3.8, luật sư Nguyễn Văn Tiến - Đoàn Luật sư Hà Nội, chia sẻ với Lao Động: "Việc tuyên án tù chung thân với Kiên là đúng với quy định của pháp luật, thể hiện chính sách khoan hồng của Nhà nước đối với bị can, bị cáo tích cực khắc phục hậu quả, thành khẩn, ăn năn".

Dưới góc độ pháp lý, theo luật sư Tiến, Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự trong xét xử tội phạm tham nhũng và tội phạm khác về chức vụ, khoản 2, Điều 5 về Nguyên tắc xử lý đối với tội phạm tham nhũng, tội phạm khác về chức vụ có quy định:

Trong quá trình tố tụng, người phạm tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và đã hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì không áp dụng mức cao nhất của khung hình phạt mà người phạm tội bị truy tố, xét xử.

Trường hợp người phạm tội đã tác động để cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em, những người thân khác nộp lại hoặc không phản đối việc cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em, những người thân khác nộp lại ít nhất 3/4 tài sản mà mình tham ô, nhận hối lộ cũng được coi là chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ.

Đối chiếu với trường hợp của Kiên, đến khi toà tuyên án, bị cáo đã nộp hơn 42 tỉ đồng, gần như là khắc phục hết, chỉ còn phải truy nộp hơn 400 triệu - theo phán quyết của bản án.

Ngoài những trường hợp nêu trên, luật sư Tiến cho biết, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế còn được toà ghi nhận bị cáo có nhiều thành tích trong công tác, có bố đẻ, bố vợ, là người có công với cách mạng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn