MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bị can Trần Văn Dự và Vũ Sỹ Cường (từ trái qua) nhận tiền của các doanh nghiệp thực hiện chuyến bay giải cứu. Ảnh: Bộ Công an

Vụ chuyến bay giải cứu: Cách móc nối, giới thiệu qua lại để nhận hối lộ

Quang Việt LDO | 15/04/2023 08:58

Từ lời giới thiệu qua lại giữa các cựu quan chức, doanh nghiệp tổ chức chuyến bay giải cứu đã tìm đến đúng "cửa" để hối lộ tiền tỉ cho họ.

Trong vụ án chuyến bay giải cứu, ngoài đề nghị truy tố 54 bị can với 5 tội danh khác nhau, Cơ quan An ninh điều tra cũng chỉ ra được thủ đoạn móc nối, giới thiệu qua lại để doanh nghiệp tìm đến những người có chức vụ, quyền hạn trong việc giải quyết hồ sơ doanh nghiệp trình để tổ chức đưa người ở nước ngoài về Việt Nam đợt dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Tại Vụ Quan hệ Quốc tế, Văn phòng Chính phủ, ông Nguyễn Thanh Hải với vai trò là Vụ trưởng đã trực tiếp chỉ đạo, phân công cho các chuyên viên tiếp nhận hồ sơ của doanh nghiệp, tham mưu, đề xuất để lãnh đạo Vụ duyệt, ký Phiếu trình Lãnh đạo Văn phòng Chính phủ ký, trình lãnh đạo Chính phủ phê duyệt khi chưa có ý kiến của Tổ công tác 4 Bộ/5 Bộ.

Nguyễn Tiến Thân - chuyên viên là đầu mối chính, nghiên cứu, tham mưu, đề xuất (Phiếu trình) lãnh đạo các cấp trong việc xét duyệt cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp xin chuyến bay đưa công dân về nước.

Cuối tháng 9, đầu tháng 10.2020, thông qua một phó vụ trưởng, Lê Hồng Sơn và Nguyễn Thị Thanh Hằng đại diện Công ty Bluesky đến gặp ông Hải tại phòng làm việc.

Tại buổi gặp này Sơn, Hằng đặt vấn đề nhờ ông Hải quan tâm giúp đỡ trong việc xin cấp phép thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam bị mắc kẹt vì COVID-19 từ nước ngoài về nước.

Thân sau đó được chỉ đạo trực tiếp, trao đổi, phối hợp với Sơn, Hằng để triển khai thực hiện. Từ tháng 10.2020 - 4.2021, Thân tiếp nhận, đề xuất phê duyệt chủ trương đồng ý cho các công ty của Sơn, Hằng được thực hiện 43 chuyến bay. Qua đó, Sơn và Hằng đã 4 lần đưa tiền cho Thân.

Tháng 3.2021, thông qua giới thiệu của ông Nguyễn Quang Linh - Trợ lí của Phó Thủ tướng Thường trực, Hoàng Anh Kiếm, đại diện Công ty Lữ Hành Việt liên hệ, gặp gỡ và được Thân giúp đề xuất cho công ty được cấp phép thực hiện 18 chuyến bay đưa công dân về nước. Qua đó, Kiếm 2 lần đưa tiền cho Thân.

Tại Bộ Ngoại giao, tháng 6.2021, Kiếm thông qua Đỗ Hoàng Tùng - Cục phó Cục Lãnh sự, gặp gỡ và đặt vấn đề với ông Tô Anh Dũng - Thứ trưởng bộ này.

Ông Dũng đã đồng ý giải quyết thủ tục để được cấp phép các chuyến bay cho Công ty Lữ Hành Việt. Quá trình giải quyết thủ tục hồ sơ xin phê duyệt các chuyến bay "combo" cho công ty này, ông Dũng nhận hối lộ 30.000 USD từ Kiếm.

Cũng tại Bộ Ngoại giao, khoảng tháng 5-6.2020, qua ông Tô Anh Dũng, Hoàng Diệu Mơ đã tiếp xúc, gặp gỡ và đặt vấn đề nhờ bà Nguyễn Thị Hương Lan - Cục trưởng Cục Lãnh sự, để Công ty An Bình tham gia tổ chức các chuyến bay "combo".

Bà Lan đã giải quyết thủ tục hồ sơ xin phê duyệt 66 chuyến bay "combo" cho Công ty An Bình (từ cuối tháng 12.2020-1.2022). Qua đó, bà Lan được Mơ hối lộ 11 lần, tổng cộng 13,2 tỉ đồng.

Tại Cục Quản lý Xuất nhập cảnh, Bộ Công an, tháng 6.2021, Trần Văn Dự - Phó Cục trưởng được phân công chịu trách nhiệm duyệt, ký các văn bản trả lời Bộ Ngoại giao cho ý kiến về kế hoạch tổ chức chuyến bay “combo”;

Tại Phòng Tham mưu, ông Vũ Anh Tuấn - Phó Trưởng phòng, Tổ trưởng Tổ giúp việc Ban chi đạo đã chi đạo Vũ Sỹ Cường - thành viên Tổ tham mưu nghiên cứu, đề xuất và soạn thảo văn bản trình duyệt, ký nháy trước khi trình ông Dự ký văn bản trả lời Bộ Ngoại giao.

Quá trình thực hiện nhiệm vụ, ông Tuấn trực tiếp liên hệ yêu cầu và thỏa thuận với các đại diện doanh nghiệp tham gia chuyến bay với chi phí từ 50-200 triệu đồng/chuyến bay hoặc phải chi phí 500.000 - 1,5 triệu đồng/khách tùy từng thời điểm.

Trường hợp doanh nghiệp không đồng ý theo yêu cầu, Tuấn sẽ gây khó dễ, không chấp thuận hoặc trả lời sát ngày doanh nghiệp tổ chức chuyến bay buộc họ phải đưa hối lộ.

Không những thế, Tuấn còn phối hợp với Phạm Trung Kiên - Thư kí của Thứ trưởng Bộ Y tế, yêu cầu, gợi ý chỉ dẫn cho doanh nghiệp liên hệ, chi tiền cho Kiên để được Bộ Y tế trả lời nhanh và ngược lại.

Cuối tháng 6.2021, bị can Trần Thị Mai Xa - Giám đốc Công ty Cổ phần giáo dục và du lịch Masterlife (Công ty Masterlife) đã mượn pháp nhân 3 Công ty nộp hồ sơ xin tổ chức chuyến bay "combo" tại Cục Quản lý Xuất nhập cảnh.

Tuấn gây khó khăn bằng cách đề xuất ông Dự chưa chấp thuận cấp phép chuyến bay "combo". Lúc đó, Xa đã liên hệ, gặp gỡ Sỹ Cường để nhờ giúp đỡ.

Sỹ Cường báo lại với Tuấn và được cấp trên này chỉ đạo, yêu cầu Xa phải chi phí 1 triệu đồng/khách, tương đương 10.000 USD/chuyến bay mới được chấp thuận cấp phép.

Ngày 29.6.2021, Xa đưa 20.000 USD (tương đương gần 464 triệu đồng) cho Sỹ Cường tại một quán cà phê để được tạo điều kiện xét duyệt, cấp phép 2 chuyến bay “combo”.

Sau lần đó, Tuấn liên hệ và yêu cầu Xa trực tiếp làm việc với mình, và ra giá 200 triệu đồng/chuyến bay.

Cũng trong tháng 7-9.2021, Sỹ Cường nhận 1,95 tỉ đồng từ Bùi Huy Hoàng để xét duyệt, cấp phép 2 chuyển bay combo cho Công ty Sora của bị can Võ Thị Hồng.

Trong đó, lần thứ nhất nhận 790 triệu đồng (tháng 7.2021), Sỹ Cường đã đưa 158 triệu, nhờ Lê Tuấn Anh - Chánh Văn phòng Cục Lãnh sự giúp Công ty Sora được cấp phép 1 chuyến bay đưa 158 khách về nước.

Lần thứ hai nhận 1,16 tỉ đồng (tháng 9.2021), Sỹ Cường đã trao đổi, thoả thuận và đưa cho Vũ Anh Tuấn 780 triệu, 300 triệu đưa cho Lê Tuấn Anh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn