MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan bị dẫn giải vào phòng xử vụ chuyến bay giải cứu hôm 11.7. Ảnh: Quang Việt

Vụ chuyến bay giải cứu: Cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự bất ngờ "quay xe" nhận tội

Việt Dũng LDO | 13/07/2023 14:05

Hà Nội - Bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan - cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao bất ngờ "quay xe", xác nhận về số tiền các doanh nghiệp hối lộ vụ chuyến bay giải cứu.

Bất ngờ thừa nhận hành vi

Sau phần thẩm vấn, cho đối chất nhóm bị cáo "Đưa, Môi giới hối lộ" và "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", TAND Hà Nội xét hỏi bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan - cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao về hành vi "Nhận hối lộ" trong vụ chuyến bay giải cứu.

Bị cáo Lan bị cáo buộc 33 lần nhận hối lộ, tổng cộng hơn 25 tỉ đồng của 8 cá nhân đại diện doanh nghiệp (từ tháng 5.2020-1.2022).

Trong đó, từ tháng 2.2021, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng - Phó Tổng Giám đốc Công ty Bluesky đã gặp và được bị cáo Lan đồng ý hỗ trợ, giúp cấp phép chuyến bay "combo".

Sau đó, bị cáo Hằng đã đưa hối lộ cho bị cáo Lan 8 lần (tổng cộng 5,9 tỉ đồng) tại phòng làm việc của bà này ở trụ sở Cục Lãnh sự.

Song bị cáo Lan chỉ thừa nhận việc được Hằng biếu 1 túi xách LV, 450 triệu đồng.

Ngoài ra, bị cáo Lan phủ nhận việc được các doanh nghiệp hối lộ khi họ tổ chức các chuyến bay giải cứu, chuyến bay combo.

Trước toà, bị cáo Lan khai, việc tổ chức cấp phép chuyến bay đưa công dân về nước thuộc công tác bảo hộ công dân, phòng bảo hộ công dân của Cục Lãnh sự.

Về công tác này, khi được phân công là Phó Cục trưởng phụ trách, quyền Cục trưởng, Bộ Ngoại giao cũng có quy định là thủ trưởng đơn vị sẽ chịu trách nhiệm về tất cả các mảng của đơn vị.

Quy trình tiếp nhận hồ sơ liên quan đến các chuyến bay combo được gửi đến Cục Lãnh sự, văn phòng đưa lên và ghi phân công cho Phòng Bảo hộ công dân rồi gửi lên lãnh đạo Cục xem.

Phòng Bảo hộ công dân sẽ tập hợp các yêu cầu của doanh nghiệp lập thành danh sách tổng hợp. Trên cơ sở các tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp do Tổ 5 Bộ đã thống nhất trước đó, Phòng bảo hộ công dân sẽ lựa chọn doanh nghiệp đủ tiêu chí, tạm gọi là danh sách đề xuất các doanh nghiệp rồi đưa lên cho Phó Cục trưởng phụ trách.

Lúc đó, bị cáo phân công cho Đỗ Hoàng Tùng - cựu Cục Phó Cục Lãnh sự xem và điều chỉnh. Nếu hoàn chỉnh sẽ đưa lên cho bị cáo để bị cáo báo cáo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng.

Tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp cấp phép chuyến bay, bao gồm địa bàn đông công dân bị mắc kẹt được ưu tiên, các địa phương phải có văn bản tiếp nhận công dân, không dồn nhiều quá vào một thời điểm, vào một địa phương, người đưa về phải là công dân Việt Nam có nhu cầu về nước đang kẹt ở nước ngoài, doanh nghiệp phải đảm bảo việc thực hiện trọn gói cho công dân.

Tại toà, bị cáo Lan thừa nhận, quá trình thực hiện nhiệm vụ, đã gặp và nhận quà, tiền của một số doanh nghiệp.

Dù không nhớ rõ nhưng bị cáo cũng rất tin tưởng vào cơ quan điều tra, tin tưởng vào nội dung cáo trạng. Bị cáo thừa nhận đã nhận của 8 doanh nghiệp, An Bình, ATA, Nhật Minh, MasterLife, Blue Sky, đại diện Lữ Hành Việt, đại diện Thuận An. Bị cáo thừa nhận như cáo trạng truy tố là đúng.

"Việc nhận tiền này là nguyên nhân để các doanh nghiệp lợi dụng tăng giá chuyến bay, làm mất uy tín của nhà nước. Bị cáo xin lỗi Đảng, Nhà nước", bị cáo Lan nói.

Hơn 400 cuộc gọi bất thường

Ngay sau xét hỏi bị cáo Lan, Viện Kiểm sát đã thẩm vấn bị cáo Hoàng Văn Hưng - cựu Trưởng phòng 5, Cơ quan An ninh điều tra để làm rõ về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Bị cáo Hưng tiếp tục không thừa nhận cáo buộc và cho rằng, lời khai của cựu Phó Giám đốc Công an Hà Nội - Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Thị Thanh Hằng là "hoàn toàn sai, bị cáo bị oan".

Viện Kiểm sát đã công bố nội dung hồ sơ điều tra, về tình tiết trong khoảng thời gian ngắn, lịch sử cuộc gọi giữa Hưng và bị cáo Tuấn, ghi nhận có tới hơn 400 cuộc gọi.

Bị cáo Hưng khai, hơn 400 cuộc gọi này, giữa bị cáo và ông Tuấn có nhiều việc nên gọi điện nhiều là điều bình thường.

Tuy nhiên, đại diện Viện Kiểm sát nêu quan điểm, nếu giữa 2 người chỉ là quan hệ anh em, không có kinh doanh, làm ăn, thì không thể gọi cho nhau nhiều như vậy trong khoảng thời gian ngắn.

"Viện Kiểm sát như vậy đang áp đặt", bị cáo Hưng phản bác lại.

Tiếp tục, VKS công bố, từ 13h ngày 8.9.2022 đến tháng 12.2022, thời điểm ngay sau khi Lê Hồng Sơn - Tổng Giám đốc Công ty Blue Sky bị bắt, giữa Hưng và ông Tuấn có 15 cuộc gọi, sau đó còn có một cuộc lúc 0h04.

"Bị cáo giải thích sao?", Viện Kiểm sát đặt câu hỏi.

"Bị cáo không dám khẳng định có những cuộc gọi hay không, còn khi Sơn bị bắt, anh Tuấn có gọi điện thoại cho bị cáo. Bị cáo đề nghị Viện Kiểm sát cho biết cuộc gọi đó do ai gọi?", Hưng trả lời.

Bị cáo Tuấn khai, trước khi Hằng nhờ giúp đỡ, giữa bị cáo và Hưng "quen nhau không sâu". Chỉ khi Hằng nhờ bị cáo giúp như người trung gian với Hưng, các cuộc điện thoại mới phát sinh nhiều như vậy.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn