MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan bị tuyên phạt tù chung thân trong vụ chuyến bay giải cứu. Ảnh: Quang Việt

Vụ chuyến bay giải cứu: Cựu Cục trưởng Cục lãnh sự có cơ hội giảm án tù?

Việt Dũng LDO | 01/08/2023 07:54

Lĩnh án tù chung thân vì nhận hối lộ hơn 25 tỉ đồng để cấp phép cho doanh nghiệp tổ chức chuyến bay giải cứu, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan được cho là còn có cơ hội để cấp phúc thẩm xem xét nếu bà này kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Trong số những người bị TAND Hà Nội tuyên án ở vụ chuyến bay giải cứu, hôm 28.7 vừa qua, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Nguyễn Thị Hương Lan nhận mức án tù chung thân vì "Nhận hối lộ".

Bị cáo Lan là một trong nhiều người bị toà tuyên mức án cao hơn với đề nghị của đại diện Viện KSND Hà Nội.

Theo cáo buộc, bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan từ tháng 12.2020-1.2022 đã nhận hối lộ 32 lần, tổng số tiền hơn 25 tỉ đồng để cấp phép cho các doanh nghiệp tổ chức chuyến bay giải cứu.

Hội đồng xét xử đánh giá, khoản tiền 25 tỉ đồng, bị cáo Lan nhận hối lộ là "đặc biệt lớn". Ban đầu bị cáo không thành khẩn nên đáng lẽ phải áp dụng mức án cao nhất.

Tuy nhiên, tại toà, bị cáo đã khai báo thành khẩn, thừa nhận hành vi nên toà thấy không cần thiết phải áp dụng mức án cao nhất với bị cáo Lan.

Song toà cho rằng, cần phải áp dụng mức án cao hơn đề nghị của Viện Kiểm sát với bị cáo Lan (đề nghị từ 18-19 năm tù).

Mặt khác, đến khi phiên toà sơ thẩm kết thúc, bị cáo Lan mới nộp khắc phục được 1,2 tỉ đồng trong tổng số hơn 25 tỉ "nhận hối lộ". Bị cáo còn phải truy nộp hơn 23 tỉ đồng.

Theo quy định pháp luật, nếu không có kháng cáo thì bản án sơ thẩm sẽ có hiệu lực thi hành.

Trong trường hợp bị cáo Lan kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, bị cáo có cơ hội được xem xét giảm nhẹ hình phạt thành mức án tù có thời hạn?

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Minh Long - Giám đốc Công ty Luật Dragon, Đoàn Luật sư TP Hà Nội - cho hay, có nhiều cơ sở để toà phúc thẩm xem xét giảm nhẹ mức án đối với các bị cáo kháng cáo.

Cụ thể, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Trong đó, tại điểm b, khoản 1 của Điều này quy định: Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả.

"Việc tự nguyện khắc phục hậu quả ở bất kì giai đoạn nào của vụ án đều có thể được xem xét là tình tiết giảm nhẹ", luật sư Nguyễn Minh Long cho biết.

Trong vụ án, bị cáo Lan đã nhận hối lộ tổng số tiền 25 tỉ đồng và khắc phục được 1,2 tỉ thì Tòa cấp sơ thẩm sẽ căn cứ vào mức khắc phục để tuyên một bản án phù hợp với tình tiết giảm nhẹ.

Tại bản án sơ thẩm của TAND TP.Hà Nội cũng đã tuyên về việc kê biên một số tài sản của bị cáo Lan để đảm bảo quá trình thi hành án.

Như vậy, nếu bị cáo Lan không tiếp tục khắc phục hậu quả thì đến giai đoạn thi hành án cơ quan có thẩm quyền cũng sẽ dùng số tài sản đấy để khắc phục toàn bộ hậu quả do tội phạm gây ra.

Tuy nhiên, trong trường hợp bị cáo Lan kháng cáo để xin giảm nhẹ hình phạt và ở giai đoạn xét xử phúc thẩm, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự này tiếp tục tự nguyện nộp thêm tiền thì vẫn có thể làm căn cứ để Tòa cấp phúc thẩm xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Bởi trong bất kì giai đoạn nào của vụ án, trước khi bản án có hiệu lực thì việc tự nguyện khắc phục luôn được ghi nhận và xem xét là tình tiết giảm nhẹ hình phạt.

Theo luật sư, không có điều luật nào quy định cụ thể về việc này, tuy nhiên trên thực tiễn Tòa án xét xử vẫn thừa nhận việc xem xét giảm nhẹ hình phạt.

"Việc xem xét tình tiết giảm nhẹ đấy như thế nào thì không có điều luật nào quy định cụ thể việc này. Do đó, không có căn cứ chính xác về việc khi bà Lan tự nguyện khắc phục hậu quả thì sẽ được giảm án như thế nào.

Điều này còn tùy thuộc vào mức độ và thái độ khắc phục của bị cáo và cách nhận định của Hội đồng xét xử đối với sự việc", luật sư Nguyễn Minh Long nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn