MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bị can Phạm Trung Kiên - cựu Thư kí Thứ trưởng Bộ Y tế là người nhận tiền nhiều nhất trong vụ chuyến bay giải cứu. Ảnh: Bộ Công an

Vụ chuyến bay giải cứu: Thứ trưởng kí duyệt, Thư kí nhận hối lộ 42,6 tỉ

Việt Dũng LDO | 19/04/2023 17:31

Ông Phạm Trung Kiên mỗi lần nhận hồ sơ từ các doanh nghiệp, ra giá từ 50 triệu - 200 triệu đồng/chuyến bay giải cứu, rồi trình Thứ trưởng Bộ Y tế kí duyệt.

Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố cựu Thư kí của Thứ trưởng Bộ Y tế cùng 53 người vụ "chuyến bay giải cứu" về 5 tội danh khác nhau.

Theo cáo trạng, khi dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước để phòng chống dịch.

Văn phòng Chính phủ, tổ công tác của một số bộ, ngành (Ngoại giao, Y tế, Công an, Giao thông Vận tải, Quốc phòng) và địa phương thực hiện quy trình cấp phép chuyến bay và cho chủ trương cách li y tế.

Tuy nhiên, chủ trương đúng đắn, nhân văn giải cứu người dân mắc kẹt trong dịch trên đã bị nhiều quan chức, cán bộ của nhiều bộ, ngành đến địa phương lợi dụng, tạo ra nhóm lợi ích, nhận hối lộ của các doanh nghiệp để giúp cấp phép chuyến bay giải cứu.

Thực hiện chủ trương đưa công dân Việt Nam về nước trong đại dịch COVID-19, Bộ Y tế giao Cục Y tế dự phòng tiếp nhận, đề xuất, xem xét cho ý kiến về việc phê duyệt kế hoạch tổ chức các chuyến bay theo đề xuất của Bộ Ngoại giao.

Ngoài ra, Bộ Y tế còn được chấp thuận cho các khách lẻ về nước theo đề nghị của các cá nhân, doanh nghiệp.

Để thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Y tế phân công Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên làm nhiệm vụ xem xét, duyệt kí văn bản trả lời Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan chức năng khi những nơi này xin ý kiến về chuyến bay giải cứu, chuyến bay "combo" và xin cho khách lẻ được về nước.

Các cơ quan chức năng thông qua Phạm Trung Kiên để trình Thứ trưởng xem xét, kí duyệt văn bản trả lời.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Phạm Trung Kiên đã tiếp xúc, yêu cầu và thỏa thuận với các đại diện doanh nghiệp phải chi số tiền rất lớn.

Với hình thức "trọn gói", Thư kí của thứ trưởng thỏa thuận các doanh nghiệp phải chi từ 50-200 triệu một chuyến bay combo.

Còn với hình thức "đếm đầu người", ông Kiên yêu cầu doanh nghiệp phải chi từ 500.000-2 triệu đồng/người đối với chuyến bay combo và giá từ 7-15 triệu đồng/người đối với khách lẻ.

Chỉ trong 8 tháng của năm 2021, Phạm Trung Kiên đã có đến 253 lần nhận tiền của 18 cá nhân đại diện doanh nghiệp và một số khách lẻ.

Ngoài ra, Kiên còn cùng với Vũ Anh Tuấn - nguyên cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an yêu cầu, gợi ý các doanh nghiệp liên hệ, chi tiền cho Kiên để được Bộ Y tế chấp thuận chuyến bay cũng như kịp trả lời các văn bản liên quan "chuyến bay giải cứu".

Trong 253 lần nhận hối lộ, đa phần những cuộc gặp mặt ngã giá và đưa nhận tiền của cựu Thư kí Thứ trưởng đều diễn tra tại trụ sở Bộ Y tế hoặc doanh nghiệp chuyển khoản vào tài khoản của mẹ vợ Kiên. Một số ít lần, Kiên nhận tiền ở bên ngoài trụ sở bộ.

Theo cáo buộc, ông Kiên ra giá và nhận tiền hàng trăm lần từ đại diện các doanh nghiệp như: Vitrato, A Châu, Bầu trời Hà Nội, Phượng Hoàng, GI9, TSN, Lữ Hành Việt, Hoàng Long Luxury, Sao Hà Nội, Vijasun, Thuận An, Nam Hồng, Sang Trọng, Quốc tế, Sao Phương Đông...

Tổng số tiền cựu Thư kí Thứ trưởng nhận hối lộ lên đến 42,6 tỉ đồng. Sau khi vụ án bị khởi tố, ông Kiên đã chuyển khoản trả lại cho nhiều người tổng số 12,2 tỉ đồng.

Với hành vi trên, ông Kiên bị Viện Kiểm sát truy tố về tội “Nhận hối lộ” theo Khoản 4, Điều 354 với khung hình phạt tù 20 năm, chung thân hoặc tử hình.

Riêng Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên không được cáo trạng nhắc đến có biện pháp xử lí.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn