MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nguyễn Thị Thanh Hằng - Phó Tổng Giám đốc Công ty Blue Sky tại phiên toà sơ thẩm vụ chuyến bay giải cứu. Ảnh: H.Phương

Vụ chuyến bay giải cứu: Vì sao không miễn hình phạt doanh nhân đưa hối lộ?

Quang Việt LDO | 05/08/2023 15:38

Theo chuyên gia luật, nếu việc tự thú của bà Nguyễn Thị Thanh Hằng về hành vi đưa hối lộ cho các quan chức diễn ra trước khi cơ quan chức năng điều tra vụ án chuyến bay giải cứu, bà này mới được xem xét miễn trách nhiệm hình sự.

Bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng - Phó Tổng Giám đốc Công ty Blue Sky - bị cấp sơ thẩm TAND Hà Nội tuyên phạt 11 năm tù, còn Tổng Giám đốc Công ty Blue Sky Lê Hồng Sơn bị tuyên phạt 10 năm tù theo khoản 4, tội "Đưa hối lộ" hôm 28.7 vừa qua trong vụ chuyến bay giải cứu.

Trong những ngày xét xử, bị cáo cũng như luật sư cho rằng, Hằng là người có công, khi quá trình điều tra đã tự thú về hành vi đưa hối lộ. Và cho rằng, việc tự thú đã làm sáng tỏ vụ án đưa, nhận hối lộ.

Theo luật sư, Sơn, Hằng đã phạm tội Đưa hối lộ. Nhưng hành vi phạm tội của họ xuất phát từ những khó khăn mà không phải do họ tự gây ra. Xét cho cùng, ở một góc độ nào đó, họ cũng là nạn nhân của cơ chế xin - cho trong vụ án này.

Từ đó, luật sư bào chữa đề nghị toà áp dụng cho thân chủ được giảm dưới khung hình phạt.

Ngày 5.8, trao đổi với Lao Động, luật sư Nguyễn Minh Long - Giám đốc Công ty Luật Dragon, Đoàn Luật sư Hà Nội chia sẻ, hành vi đưa hối lộ cũng bị trừng trị rất nghiêm khắc như đối với tội nhận hối lộ.

Tuy nhiên, đối với người bị ép buộc phải đưa hối lộ hoặc sau khi đưa hối lộ đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, chính sách hình sự đối với họ rất khoan hồng.

Vì vậy, khoản 7 Điều 364 Bộ luật hình sự quy định “người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ".

Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.

Bị cáo Lê Hồng Sơn - Tổng Giám đốc Công ty Blue Sky. Ảnh: Quang Việt

Luật sư Long phân tích: Người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động trước khi bị phát giác là trường hợp trước khi đưa hối lộ, người có hành vi này đã bị người nhận hối lộ hoặc bị người khác có hành vi ép buộc phải đưa hối lộ.

Hành vi ép buộc người khác phải đưa hối lộ là hành vi đe dọa, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt buộc người khác phải đưa hối lộ cho mình hoặc cho người khác mà mình quan tâm.

Chủ động khai báo trước khi bị phát giác là trường hợp việc đưa hối lộ chưa bị phát giác (chưa ai biết gì) mà người đưa hối lộ đã tự mình viết đơn hoặc trực tiếp đến cơ quan, tổ chức khai báo toàn bộ sự việc đưa hối lộ mà mình thực hiện, tố cáo hành vi ép buộc của người nhận hối lộ.

"Bị ép buộc và chủ động khai báo là hai điều kiện cần và đủ để được coi là không phạm tội, nếu thiếu một trong hai điều kiện này thì người phạm tội vẫn bị coi là phạm tội đưa hối lộ", luật sư Long nói.

Tuy nhiên, người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.

Miễn trách nhiệm hình sự là hành vi đã cấu thành tội phạm nhưng do có tình tiết giảm nhẹ, đặc biệt là trước khi hành vi phạm tội bị phát giác đã khai báo toàn bộ hành vi phạm tội của mình nên được miễn trách nhiệm hình sự.

Trường hợp này cũng tương tự như trường hợp người phạm tội tự thú quy định tại khoản 2 Điều 25 Bộ luật hình sự.

Áp dụng quy định trên có thể thấy, khi xem xét hành vi của bị cáo Hằng, Sơn chưa thỏa mãn về dấu hiệu bị ép phải đưa hối lộ.

Mặt khác, theo hồ sơ, hành vi tự thú của Hằng và Sơn xảy ra khi Cơ quan An ninh điều tra đang tiến hành điều tra vụ án chuyến bay giải cứu. Do đó, nếu khai báo trước khi cơ quan chức năng tiến hành điều tra mới thỏa mãn về dấu hiệu chủ động khai báo.

"Việc thừa nhận đưa hối lộ có thể được coi là tình tiết thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải trong quá trình xem xét lượng hình đối với bị cáo", luật sư nhấn mạnh.

Cũng theo luật sư Long, việc đưa hối lộ trong vụ án này là đặc biệt nghiêm trọng, với số tiền cực lớn; gây dư luận xấu trong và ảnh hưởng tới chính sách nhân đạo của nhà nước. Chính vì vậy, hành vi này cần phải xử lý nghiêm minh.

Nếu cơ quan tố tụng không xem xét hành vi đưa hối lội là vi phạm tố tụng nghiêm trọng; bỏ lọt tội phạm; gây tiền lệ xấu sau này.

Trong vụ án, Hằng và Sơn bị quy kết đưa hối lộ hơn 100 tỉ đồng. Việc truy tố, xét xử Hằng, Sơn và một số bị cáo khác về hành vi đưa hối lộ theo khoản 4 điều 364 BLHS với khung hình phạt từ 12-20 năm tù là phù hợp.

"Đối với bản án, các bị cáo đều được tuyên nhẹ hơn khung hình phạt tức là Hội đồng xét xử đã cân nhắc tới các tình tiết giảm nhẹ; tình tiết tăng nặng; mức án như vậy theo tôi là phù hợp", luật sư Long nêu quan điểm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn