MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ toạ Vũ Quang Huy công bố bản án vụ chuyến bay giải cứu. Ảnh: H.Phương

Vụ chuyến bay giải cứu: Vì sao tuyên án mức cao hơn đề nghị của Viện Kiểm sát?

Việt Dũng LDO | 30/07/2023 14:45

Theo chuyên gia luật, việc toà tuyên án nhiều bị cáo cao hơn mức đề nghị, song cũng có 10 người được hưởng án tù treo trong vụ chuyến bay giải cứu, thể hiện sự phân hoá giữa vòi vĩnh tiền và không vòi vĩnh tiền của các bị cáo là cán bộ công chức của cơ quan Nhà nước. 

Hành vi nhận hối lộ gây bất bình

Khép lại phiên toà sơ thẩm vụ án chuyến bay giải cứu hôm 28.7, Tòa án nhân dân (TAND) Hà Nội đã tuyên án 54 bị cáo về các tội "Đưa, Nhận, Môi giới hối lộ", "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" và "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Trong đó, tòa tuyên 4 án chung thân với Phạm Trung Kiên - cựu Thư ký thứ trưởng Bộ Y tế; Hoàng Văn Hưng - cựu Trưởng phòng thuộc Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an; Nguyễn Thị Hương Lan - cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và Vũ Anh Tuấn - cựu Phó trưởng Phòng tham mưu, Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an.

Trong số các bị cáo này, duy nhất Phạm Trung Kiên được tuyên mức án thấp hơn đề nghị của Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội.

Ngoài ra, việc tuyên 16 năm tù với cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng cũng được xác định cao hơn đề nghị của cơ quan công tố (đề nghị 12-13 năm tù).

Đưa ra mức án với 5 bị cáo trên và một số người khác cao hơn đề nghị, Hội đồng xét xử nhận định, trong quá trình tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước chống dịch COVID-19, từ tháng 9.2020 đến tháng 12.2022, 25 bị cáo là cựu quan chức, cán bộ ở nhiều bộ, ngành đã lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao, nhận hối lộ số tiền hơn 164 tỉ đồng và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gây thiệt hại số tiền hơn 10 tỉ đồng.

Trong vụ án, có 23 cá nhân là đại diện doanh nghiệp đã đưa hối lộ hơn 226 tỉ đồng, có 4 cá nhân môi giới hối lộ hơn 74 tỉ đồng và lừa đảo chiếm đoạt tài sản số tiền hơn 24 tỉ đồng.

Tòa cáo buộc, Phạm Trung Kiên nhận hối lộ nhiều nhất với 253 lần và tổng số tiền hơn 42,6 tỉ đồng; Vũ Anh Tuấn 49 lần với số tiền hơn 27 tỉ đồng; Nguyễn Thị Hương Lan nhận hối lộ 32 lần với số tiền hơn 25 tỉ đồng...

Hội đồng xét xử nhận định, các bị cáo là các cán bộ công chức của cơ quan Nhà nước đã nhận số tiền lớn, rất lớn, đặc biệt lớn để thực hiện theo yêu cầu của các doanh nghiệp, chiếm dụng sử dụng mục đích cá nhân...

"Việc đưa - nhận tiền diễn ra nhiều lần, thường xuyên, liên tục, có lần lên đến hàng tỉ đồng, hàng trăm nghìn USD", bản án nêu.

Buổi công bố bản án với 54 bị cáo trong vụ chuyến bay giải cứu. Ảnh: H.Phương

Thủ đoạn nhận hối lộ của các bị cáo ở hai dạng, gồm mặc cả, buộc doanh nghiệp chi tiền hoặc gây khó khăn bằng cách mập mờ, làm không hết trách nhiệm, buộc doanh nghiệp chi tiền theo "luật bất thành văn". Thậm chí, nhiều cựu quan chức phạm tội theo hình thức thông đồng, hứa hẹn chia sẻ lợi ích.

Trong vụ án, Phạm Trung Kiên và Vũ Anh Tuấn có hành vi đòi hỏi, sách nhiễu, đưa ra giá "chung chi" và yêu cầu doanh nghiệp phải đưa tiền thì mới cấp phép.

Các bị cáo khác dù không yêu cầu nhưng đều gặp gỡ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, trước hoặc sau khi tổ chức xong chuyến bay được các doanh nghiệp chi tiền cảm ơn.

Số tiền cảm ơn tương ứng với lợi nhuận của doanh nghiệp và số lượng hành khách rất lớn, lên tới hàng tỉ đồng, vượt quá mức thu nhập bình quân của một cán bộ công chức.

Sau khi nhận tiền, các bị cáo không báo cáo cơ quan, tổ chức mà chiếm hưởng.

Hội đồng xét xử đánh giá, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, xảy ra tại nhiều bộ ngành. Nhóm bị cáo nhận hối lộ đều là người có chức vụ, quyền hạn nhưng đã lợi dụng dịch bệnh, vị trí công tác để nhũng nhiễu, tạo cơ chế xin - cho buộc doanh nghiệp phải đưa hối lộ.

Vụ án "chuyến bay giải cứu" có tính chất đặc biệt nghiêm trọng. Hành vi của các bị cáo gây nguy hiểm cho xã hội, gây bất bình và tạo dư luận xấu trong nhân dân.

Do đó, Toà cho rằng, cần phải áp dụng mức án cao hơn so với đề nghị của đại diện Viện Kiểm sát.

Trong đó, Hoàng Văn Hưng - cựu Trưởng phòng 5, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an không thừa nhận hành vi, không ăn năn hối cải nên Hội đồng xét xử đã quyết định tuyên mức án cao hơn đề nghị của Viện Kiểm sát.

Phân hoá rõ hành vi

Nhìn nhận về mức án tuyên cao hơn đề nghị của Viện Kiểm Kiểm sát, luật sư Trương Anh Tú - Đoàn Luật sư Hà Nội cho hay: "Rõ ràng, HĐXX đã phân hoá rõ vai trò, hành vi của các bị cáo".

Theo luật sư, những người vòi vĩnh bao giờ cũng nhận án rất nặng. Những người không vòi vĩnh thì tòa đánh giá trong một nhóm riêng.

Luật sư Trương Anh Tú phân tích: Trong một vụ án, cùng là tội nhận hối lộ, đương nhiên hối lộ là xấu, không những xấu mà còn vi phạm pháp luật và chính vi phạm pháp luật thì mới xử lý. Thế nhưng không phải là ai cũng như nhau.

Việc tuyên mức án cao hơn thể hiện tính phân hoá vai trò từng bị cáo và sự nghiêm minh của pháp luật. Bản án cho thấy được tính răn đe "với loại tội phạm nguy hiểm này" - luật sư Tú nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn