MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Đỗ Văn Hợp và bà Bùi Thị An vẫn còn sống nhưng bị con dâu khai "đã chết" trong văn bản khai nhận di sản. Ảnh LĐ

Vụ con dâu “khai tử” bố mẹ chồng còn sống: Trách nhiệm của công chứng viên đến đâu?

VƯƠNG TRẦN LDO | 27/08/2017 12:41
Đó là ý kiến của bà Hồ Xuân Hương – Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội - liên quan đến vụ việc con dâu đã khai nhận bố mẹ chồng đã chết trong văn bản thông báo về việc khai nhận di sản, gây xôn xao dư luận thời gian gần đây.

Trao đổi với PV Lao Động ngày 27.8, bà Hồ Xuân Hương  - Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội- cho hay, vụ việc xảy ra từ năm 2006 khi chị Vũ Thị Viễn (vợ của người để lại di sản là anh Đỗ Mạnh Tiến, con dâu của ông Hợp, bà An) đi khai báo thông tin tại Phòng Công chứng số 3 – thành phố Hà Nội. Chị Viễn thực hiện khai báo cha, mẹ đẻ của anh Tiến đã chết, trong khi những người này đều đang còn sống. Đến đầu năm 2015, gia đình ông bà này mới “té ngửa” khi phát hiện con dâu đã gian dối như vậy.

Bà Hương cho biết, ngay khi tiếp nhận thông tin về sự việc này, Sở Tư pháp đã có văn bản có ý kiến, hướng dẫn người dân về việc này.

Trước đề nghị của ông Đỗ Văn Hợp, bà Nguyễn Thị An về việc Sở Tư pháp Hà Nội xem xét hủy Văn bản nhường quyền hưởng di sản thừa kế và khai nhận di sản thừa kế số công chứng 186.2006/KNDSTK, Thanh tra Sở Tư pháp Hà Nội đã giải thích cho công dân: Hiện vụ việc đã được phía Tòa án thụ lý. Do đó, gia đình ông Hợp, bà An cần tiếp tục đề nghị cơ quan Tòa án có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp, trong câu chuyện này, trách nhiệm đầu tiên thuộc về người yêu cầu công chứng. Theo pháp luật, người yêu cầu công chứng phải có trách nhiệm nộp các giấy tờ liên quan và đảm bảo tính chính xác của giấy tờ, không được làm giả, lừa dối trong lời khai.

Đối với trách nhiệm công chứng viên, bà Hương cho rằng, công chứng viên đã quá tin vào lời khai của người yêu cầu công chứng. Bởi chuyện con cháu trong gia đình đi khai báo bố mẹ đã chết trong khi họ đang còn sống là điều chưa từng xảy ra, điều này không những trái với pháp luật mà còn trái với đạo đức xã hội.

Theo quy định, công chứng viên phải yêu cầu người khai báo trình được giấy khai tử, trong trường hợp mất thì phải trình được giấy tờ, xác nhận khác liên quan. Có thể cũng vì đây là con, cháu trong nhà nên đã tin vào lời cam đoan. Mặt khác, trường hợp này cũng rất hi hữu, rất ít khi xảy ra.

“Đây là một bài học đắt giá đối với công chứng viên. Những người thực hiện nghiệp vụ công chứng phải thực thi đúng quy định của pháp luật để tránh xảy ra những sai sót không đáng có. ”- Phó Giám đốc Sở Tư pháp nói.

Liên quan đến việc này, một lãnh đạo Sở Tư pháp Hà Nội cho hay quyền lợi của ông Hợp, bà An đối với di sản của anh Đỗ Mạnh Tiến được pháp luật bảo vệ theo quy định tại Điều 672 (người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc) Bộ luật Dân sự năm 2005.

Theo đó ông Hợp, bà An có thể khởi kiện tại TAND có thẩm quyền để được yêu cầu chia di sản của anh Đỗ Mạnh Tiến theo pháp luật. Hiện nay, vụ việc này đang được TAND TP Hà Nội thụ lý. Phán quyết của tòa án sẽ làm rõ hơn trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên liên quan.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn