MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an tống đạt quyết định khởi tố bị can trong vụ án Giả mạo trong công tác xảy ra tại Đại học Đông Đô. Nguồn: Bộ Công an

Vụ Đại học Đông Đô cấp bằng giả: Đề nghị làm rõ danh sách người được cấp văn bằng 2 Tiếng Anh giả

Việt Dũng LDO | 18/12/2020 06:53

Trong quyết định trả hồ vụ án để điều tra bổ sung vụ án Giả mạo trong công tác xảy ra tại Đại học Đông Đô Hà Nội, Viện Kiểm sát (VKS) Nhân dân Tối cao đề nghị làm rõ 6 vấn đề, trong đó có yêu cầu đưa ra danh sách người được cấp văn bằng 2 Tiếng Anh giả.

Trả hồ sơ, đề nghị làm rõ nhiều vấn đề

Việc yêu cầu điều tra bổ sung được VKS Nhân dân Tối cao đưa ra ngày 10.12. Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bộ Công an mở rộng điều tra vụ án, tiếp tục làm rõ cá nhân được Đại học Đông Đô cấp, sử dụng văn bằng cử nhân ngôn ngữ tiếng Anh giả, truy bắt Trần Khắc Hùng (48 tuổi, cựu chủ tịch HĐQT Đại học Đông Đô)...

Theo VKS, danh sách thu tại Đại học Đông Đô có 626 trường hợp được cấp văn bằng 2 tiếng anh, trong đó Cơ quan An ninh điều tra đã làm rõ 193 trường hợp được cấp bằng không qua đào tạo. Tuy nhiên, kết luận điều tra mới chỉ nêu chung số liệu các trường hợp được cấp bằng không qua đào tạo từng lần và chưa rõ danh sách được cấp bằng không qua đào tạo từng lần.

Bởi vậy cần xác định rõ những trường hợp được cấp bằng không qua đào tạo của từng lần cấp bằng giả và từng bị can phải chịu trách nhiệm về việc làm giả đối với các trường hợp cụ thể.

VKS yêu cầu đơn vị chủ quản xử lý trách nhiệm đảng viên, công chức, viên chức với 193 trường hợp được cấp bằng không đúng quy định. Cơ quan điều tra mới thu giữ 67 văn bằng gốc nên VKS yêu cầu tiếp tục thu hồi 126 văn bằng còn lại. Đối với 60 trường hợp sử dụng bằng giả hiện mới hiện mới xác định được 25 người (22 người rút hồ sơ dừng chương trình học, 3 trường hợp xin thôi học thạc sĩ, rút kết quả thi nâng ngạch thanh tra viên).

35 trường hợp còn lại, VKS yêu cầu xác định rõ đã sử dụng bằng giả như nào; đề nghị cơ quan thẩm quyền xử lý hậu quả 60 trường hợp sử dụng bằng giả để thi tuyển công chức, bảo vệ luận văn thạc sĩ, tiến sĩ.

“Đề nghị xử lý trách nhiệm đảng viên, công chức khi sử dụng bằng giả. Các đơn vị thực hiện và thông báo kết quả xử lý bằng văn bản trước khi kết thúc điều tra bổ sung”, quyết định trả hồ sơ nêu.

VKS cũng yêu cầu xác định rõ hành vi của các bị can Nguyễn Thị Ngọc Thái, Trần Ngọc Quang, Nguyễn Thị Huệ.

Cấp bằng không qua đào tạo tại Đại học Đông Đô

Trước đó, gần cuối tháng 11, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an hoàn tất kết luận đề nghị truy tố bị can Dương Văn Hoà (37 tuổi, cựu Hiệu trưởng Đại học Đông Đô) và 9 bị can là cựu lãnh đạo, cán bộ Đại học Đông Đô cùng về tội “Mạo danh trong công tác”.

Theo kết luận, Đại học Đông Đô chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) cho phép đào tạo văn bằng 2, trong đó có văn bằng 2 ngành ngôn ngữ tiếng Anh (Văn bằng 2 Tiếng Anh).

Song, từ năm 2015 - 2017, Đại học Đông Đô đã đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh và được Bộ GDĐT (Vụ Kế hoạch Tài chính) thông báo chỉ tiêu tuyển sinh. Từ năm 2017, Vụ Giáo dục đại học cho đăng tải Đề án tuyển sinh lên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ, trong đó có chỉ tiêu hệ văn bằng 2 chính quy.

Từ tháng 4.2017, Trần Khắc Hùng (cựu Chủ tịch HĐQT Đại học Đông Đô) chỉ đạo Phó Hiệu trưởng Trần Kim Oanh, Hiệu trưởng Dương Văn Hoà, ký thông báo tuyển sinh văn bằng 2 Tiếng Anh gửi các cơ sở, cá nhân; ký hợp đồng hỗ trợ tuyển sinh, đào tạo văn bằng 2 Tiếng Anh với 15 cơ sở đào tạo...

Tại Viện Đào tạo liên tục do bị can Hùng làm Viện trưởng, bà Oanh được giao chỉ đạo các nhân viên tiếp nhận hồ sơ học viên, không tổ chức thi đầu vào, không đào tạo theo chương trình. Song các cán bộ này có nhiệm vụ tổ chức hướng dẫn học viên hợp thức các bài thi bằng hình thức phát đề thi và đáp án cho học viên chép lại; Cá biệt có trường hợp không phải hợp thức bài thi.

Đến cuối năm 2018, sau khi thành lập Viện 4.0, ông Hùng giao cho Phó Viện trưởng Viện 4.0 Lê Ngọc Hà, chỉ đạo nhân viên nhận hồ sơ học viên, tổ chức hướng dẫn học viên hợp thức các bài thi.

Sau khi học viên hoàn thiện các bài thi, nhóm cán bộ này dọc phách, chuyển cho giáo viên của Đạo học Đông Đô chấm bài, tổng hợp kết quả, lập bảng điểm khoá học cho từng học viên; Lập và ký danh sách đề nghị in bằng cho bà Oanh, Hà ký tại mục “Trưởng đơn vị”.

Sau khi in bằng, Dương Văn Hoà ký cấp phát cho các cá nhân.

Cơ quan điều tra đã thu giữ nhiều danh sách đề nghị in bằng, danh sách đề nghị xét tốt nghiệp ngành ngôn ngữ Tiếng Anh cho các cá nhân không qua tuyển sinh, đào tạo hoặc chưa đủ điều kiện cấp bằng. Trong đó có 24 danh sách đề nghị in bằng (14 bản chính, 10 phản photo).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn