MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đối tượng Phạm Văn Hùng và hiện trường vụ việc. Ảnh: Phạm Đông

Vụ đổ trộm chất thải ra sông Hồng: Xử lý nghiêm đối tượng liên quan

Phạm Đông LDO | 01/04/2020 11:19

Theo kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an), 14 thùng phuy bị đổ trộm ra bờ sông Hồng đều là chất thải nguy hại có chứa thành phần nguy hại đặc biệt (Toluene, Trichloroethylene), vượt ngưỡng quy chuẩn.

Liên quan đến vụ đổ trộm chất thải xuống sông Hồng, mới đây Công an huyện Thanh Trì (Hà Nội) phối hợp cùng Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Thanh Trì và Công ty URENCO10 tiến hành cân khối lượng 14 thùng phuy đựng chất thải nguy hại thu giữ được, kết quả cân là 3.160 kg. 

Trao đổi với Lao Động sáng 1.4, PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh – nguyên Giảng viên Khoa Công nghệ Thực phẩm, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, theo kết luận giám định của Viện khoa học hình sự (Bộ Công an) thì 14 thùng phuy đổ ra bờ sông Hồng đều là chất thải nguy hại (Toluene, Trichloroethylene) vượt ngưỡng quy chuẩn.

Những chất thải này là một loại dung môi hóa học, khi bị đổ ra môi trường sẽ bay hơi, bốc mùi rất khó chịu. Mặc dù chất này không thể hòa tan trong nước nhưng lại rất độc hại, làm chết các sinh vật sống dưới nước như cá, tôm…

14 thùng phuy đựng chất thải nguy hại có khối lượng 3.160 kg. Ảnh: CTV

“Nếu người tiếp xúc, ăn hoặc uống phải loại dung môi này sẽ rất độc hại. Cụ thể, chất này sẽ gây đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, mất trí nhớ; viêm phổi;Viêm gan nhiễm độc, viêm cầu thận, tổn thương tim mạch… Việc vứt bỏ chất thải ra môi trường không qua xử lý thể hiện sự thiếu trách nhiệm, cố ý gây hại cho môi trường. Cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm trường hợp này để răn đe, làm gương cho những người khác” – ông Thịnh nói.

Cũng theo nhận định của ông Thịnh, trong vụ việc này rất may cơ quan công an đã kịp thời phát hiện, trục vớt và xử lý sớm được số chất thải nguy hại trên. Nếu không hậu quả sẽ rất nguy hiểm, gây hại cho môi trường. Từ vụ việc này cũng cho thấy, các cơ quan chức năng cần quản lý chặt chẽ các doanh nghiệp sản xuất hóa chất độc hại, đấu tranh phòng ngừa từ xa.

Còn luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, việc đổ trộm chất thải ra đầu nguồn nước sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, ảnh hưởng đến nguồn nước. Những hành vi này rất đáng lên án vì làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, đời sống của người dân. Bởi vậy việc phát hiện, xử lý bằng chế tài hình sự là cần thiết để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội tránh những vụ việc tương tự có thể xảy ra.

Theo điều 235 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội gây ô nhiễm môi trường, với hành vi chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường trái pháp luật từ 3.000 - 5.000 kg chất thải nguy hại thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

Đối tượng Phạm Văn Hùng. Ảnh: Phạm Đông

Đồng quan điểm trên, luật sư Quách Thành Lực (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, thời gian gần đây loại tội phạm về môi trường diễn ra khá nhiều và phổ biến, tuy nhiên việc phát hiện và xử lý loại tội phạm này khá khiếm tốn so với sự phức tạp và hậu quả của hành vi phạm tội gây ra cho xã hội. Cơ quan tư pháp cần xử lý nghiêm hành vi phạm tội về môi trường, cảnh tỉnh các cá nhân tổ chức đang có hành vi tương tự phải chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật.

Cũng theo ông Lực, ngoài việc xử lý nghiêm cá nhân đổ trực tiếp chất thải thì cơ quan tư pháp cần xác định thêm có đồng phạm tiếp tay, chủ mưu cho hoạt động đổ thải này hay không. Từ đó xem xét, xử lý trách nhiệm hành chính, trách nhiệm hình sự của các cá nhân, tổ chức cung cấp lượng chất thải độc hại này ra môi trường mà không qua xử lý.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn