MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đối tượng Trần Văn Khang bị tạm giữ hình sự vì đốt pháo trong đám cưới tại Sóc Sơn. Ảnh: CACC

Vụ đốt pháo trong đám cưới ở Hà Nội: Lời khai về nguồn gốc pháo nổ

Phạm Đông LDO | 05/03/2020 11:05

Công an huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đã tạm giữ hình sự một đối tượng liên quan đến vụ đốt pháo mừng đám cưới. Bước đầu cơ quan công an đã có lời khai ban đầu của đối tượng trực tiếp gây ra vụ việc.

Ngày 5.3, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an huyện Sóc Sơn (Hà Nội) cho biết đã tạm giữ hình sự đối tượng Trần Văn Khang (sinh năm 1979, trú tại khối 12, xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn) để điều tra về hành vi “Gây rối trật tự công cộng”.

Sau khi bị tạm giữ hình sự, đối tượng Trần Văn Khang bước đầu đã có lời khai về vụ nổ pháo. Cơ quan công an đang tiếp tục xác minh, điều tra làm rõ các đối tượng liên quan.

Đối tượng Trần Văn Khang khai nhận đã lên mạng xã hội đặt mua pháo của một người lạ mặt, chuyển về nơi tổ chức đám cưới. Pháo sau đó được người bán chuyển về xã Phù Lỗ, để đối tượng rải ra đường và treo dọc rạp cưới, đốt trước và sau khi đón dâu.

Về số lượng pháo, cũng theo lời khai của Trần Văn Khang, đối tượng này đã mua 3 bánh, mỗi bánh dài 15m, với tổng số tiền 4,3 triệu đồng.

Hiện trường vụ đốt pháo.

Trao đổi với Báo Lao Động, thạc sĩ - luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, việc sử dụng pháo nổ tại đám cưới ở Việt Nam nhiều năm nay đã bị pháp luật nghiêm cấm và gần như không có trường hợp nào vi phạm xảy ra. Trường hợp đốt số lượng lớn pháo là chuyện khiến nhiều người hết sức bất ngờ.

Theo luật sư, trường hợp đã biết việc đốt pháo là vi phạm pháp luật mà cố tình vi phạm thì cần phải xử lý nghiêm minh. ​

Dưới góc độ pháp lý, ngoài các loại pháo được sử dụng quy định tại Điều 5 Nghị định 36/2009/NĐ-CP, thì tất cả những hành vi quản lý, sử dụng pháo khác đều là vi phạm quy định pháp luật. ​Về hành vi sử dụng pháo không đúng quy định sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm b, khoản 2, điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội với mức phạt từ 1 - 2 triệu đồng.

Hành vi buôn bán pháo nổ chính là buôn bán hàng cấm, nếu số lượng đủ 10kg thì người vi phạm sẽ bị cứu trách nhiệm hình sự về tội buôn bán hàng cấm. Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm được quy định tại Điều 190 Bộ luật hình sự 2015.

Theo đó, người nào sản xuất, buôn bán hàng hóa mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng, chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 248, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

Còn đối với người đốt pháo, nếu không phải là người trực tiếp mua bán pháo nổ trái phép nhưng việc đốt pháo ở nơi công cộng là hành vi gây rối trật tự công cộng. Nếu hành vi được xác định là ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, thể hiện thái độ coi thường, thách thức pháp luật thì có thể xem xét, xử lý hình sự.

Hành vi này sẽ bị xử lý theo Điều 318 về tội gây rối trật tự công cộng quy định người nào vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Nghị định số 36/2009/NĐ-CP ngày 15.4.2009 của Chính phủ Về quản lý, sử dụng pháo qui định:

Điều 5. Các loại pháo, sản phẩm pháo được sử dụng

1. Pháo hoa do Bộ Quốc phòng sản xuất, nhập khẩu để tổ chức bắn pháo hoa đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép.

2. Pháo hoa do tổ chức, cá nhân nước ngoài được Thủ tướng Chính phủ  Việt Nam cho phép và được Bộ Công an cấp giấy phép mang vào Việt Nam để dự thi bắn pháo hoa.

3. Pháo hiệu dùng trong các hoạt động báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ, cứu hộ, cứu nạn, giao thông vận tải và hoạt động quân sự.

4. Các sản phẩm như: Pháo hoa lễ hội bằng giấy (trừ loại hoa có chứa kim loại), pháo điện, pháo trang trí bằng giấy, bằng nhựa, bằng tre, trúc, kim loại; que hương phát sáng; các sản phẩm phát tín hiệu ánh sáng, màu sắc, âm thanh được dùng trong các hoạt động văn hoá, văn nghệ không gây nên tiếng nổ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn