MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Vụ giết người yêu cũ, phân xác phi tang: “Cay đắng” ôm “trái đắng”

Cường Ngô LDO | 15/06/2018 16:02
Chia tay cần có kỹ năng để hạn chế thấp nhất khả năng làm nảy sinh lòng thù hận?

Hơn 10 ngày trôi qua, trong căn nhà trống trải những ngày này, bà G (mẹ đẻ nạn nhân Đ.Y.N) sống mà không bằng chết. Nếu không vì đứa con gái đang tuổi ăn tuổi học, có lẽ bà cũng chẳng thiết tha gì với cuộc đời này.

Nhìn di ảnh cô con gái xấu số, đoản mệnh, bà đứt từng khúc ruột. Có người mẹ nào mà không thương con, bà cũng vậy. Dẫu biết rằng, kẻ thủ ác sát hại con mình sẽ bị pháp luật trừng trị nhưng nhưng chẳng hiểu vì sao trong lòng bà lại không một chút thanh thản. Có lẽ có nhiều lý do.

Vũ Ngọc Hiếu (kẻ sát hại con gái bà) mồ côi mẹ từ nhỏ, bố tái hôn với người khác nên hầu như anh ta phải tự lo sinh kế cho bản thân, vừa đi bán hàng rong kiếm tiền, vừa đi học.

9 năm trước, chàng trai "phố núi" cũng khấp khởi "khăn gói quả mướp" lên TP trọ học như bao sinh viên khác. Hiếu còn ghi danh học thêm Anh văn tại một trung tâm ngoại ngữ. Đ.Y.N cũng học thêm ngoại ngữ ở đây, thế là hai người quen nhau.

Khi tình cảm mặn nồng, Đ.Y.N. đưa Vũ Ngọc Hiếu về nhà chơi cùng gia đình. Tuy nhiên, gia đình không đồng tình vì không đánh giá cao hoàn cảnh xuất thân của Hiếu, hai người chia tay. Và bi kịch tình yêu cũng bắt đầu từ đây.

Vũ Ngọc Hiếu về Gia Lai quyết chí kiếm tiền để dạm hỏi N, ở nơi phồn thị, N đã có vị hôn phu của mình. Không chấp nhận người yêu cũ là “người” của chàng trai khác. Trong đầu anh ta nảy sinh ý nghĩ, thể xác lẫn tâm hồn của N là của duy nhất một mình Hiếu, không ai có quyền chiếm đoạt. N chết có nghĩa là cô ấy sẽ thuộc về Hiếu mãi mãi.

Đối tượng Vũ Ngọc Hiếu.

Chúng ta vẫn luôn cho rằng, yêu và ghen là bản năng của con người. Tình yêu là thứ hấp lực đặc biệt khiến con người ta bất chấp tất cả, thậm chí chệch ra khỏi những lề thói khắt khe của xã hội, luân thường đạo đức và pháp luật. Cũng bởi vì bơi ngược giữa dòng thác chảy xiết, mà nhiều người đã “cay đắng” ôm “trái đắng”.

Một chuyên gia nghiên cứu tâm lý tội phạm từng nói rằng, con người có 3 cái ghen: Ghen tình, ghen tiền và ghen tài. Trong đó ghen tình là thứ chạm đến bản năng của con người nhiều nhất, bởi nó là sự độc quyền tuyệt đối trong tâm tưởng.

Người ghen tình cảm, họ cảm thấy bị đổ vỡ, hụt hẫng, bị sỉ nhục, phản bội, khinh rẻ, cảm thấy mất đi một thứ gì đó đã hy vọng, nuôi nấng. Cho nên khi ghen sẽ thúc đẩy tư duy, suy nghĩ, tình cảm, hành động của người đó rất dữ dội.

Trên một diễn đàn mạng, có người hỏi, chia tay cần có kỹ năng không? Bất giác, nhiều bình luận cho rằng, chưa từng nghĩ đến chuyện đó, bởi lẽ "chia tay là chia tay thôi". Nhưng qua những vụ việc man rợ này, họ phải thảng thốt, suy nghĩ lại.

Chia tay cần có kỹ năng lắm chứ, thậm chí nó còn rất quan trọng! Yêu nhau không ai trách nhưng cái cách chia tay lại là điều đáng quan tâm. Dừng lại như thế nào, tâm sự ra sao, rồi chia tay có văn hóa như thế nào… tất thảy phải có kỹ năng! Có kỹ năng để hạn chế thấp nhất khả năng làm nảy sinh lòng thù hận.

“Một bà mẹ đã đuổi anh chàng ra khỏi nhà và rất có thể đó là một phần lý do anh ta quay lại với nhiều nhát dao sát hại. Một que diêm có thể đốt cháy cả khu rừng, một lời xúc phạm sẽ đốt cháy nhiều thứ hơn ta tưởng. Hãy cố gắng dùng những lời lẽ kiềm chế nhất”, một triết lý mà người viết đã từng đọc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn