MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Vụ giết người yêu, phi tang xác: Ghen tuông nguy hiểm cỡ nào?

Cường Ngô LDO | 06/06/2018 11:07

Chuyên gia tâm lý học tội phạm cho rằng, trong tâm tưởng, người ghen tuông cảm thấy họ bị đổ vỡ, hụt hẫng, bị sỉ nhục, phản bội. Cho nên khi ghen sẽ thúc đẩy tư duy, suy nghĩ, tình cảm, hành động của người đó rất dữ dội.

Chiều 4.6, cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an TPHCM cho biết đã phối hợp với Công an tỉnh Tây Ninh, tạm giữ hình sự Vũ Ngọc Hiếu (29 tuổi, quê Gia Lai) để làm rõ hành vi sát hại bạn gái rồi phi tang xác ở nhiều nơi.

Nạn nhân trong vụ trọng án là chị Đ.Y.N. (27 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh, TPHCM). Bước đầu, Hiếu khai có mối quan hệ yêu đương với chị N nhưng biết N sắp đi lấy chồng nên ra tay sát hại.

Từ vụ việc trên, nhiều ý kiến cho rằng, những người ghen tuông, mù quáng trong tình yêu, trong quan hệ gia đình, khi gặp phải những mâu thuẫn, ngờ vực sẽ không tìm được cách xử lý đúng mực mà sử dụng bạo lực dẫn đến phạm tội.

Chân dung nghi can sát hại người yêu

Chia sẻ với Báo Lao Động về thực tế này, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học cảnh sát (Học viện Cảnh sát Nhân dân, Bộ Công an) chỉ rõ: Có 3 cái ghen đỉnh điểm nhất là ghen tình, ghen tiền và ghen tài. Trong đó, ghen tình là thứ chạm đến bản năng của con người nhiều nhất. Ghen tuông là sự độc quyền tuyệt đối.

Trong tâm tưởng, người ghen tuông cảm thấy họ bị đổ vỡ, hụt hẫng, bị sỉ nhục, phản bội, khinh rẻ, cảm thấy mất đi một cái gì đó mình hy vọng, nuôi nấng. Cho nên khi ghen sẽ thúc đẩy tư duy, suy nghĩ, tình cảm, hành động của người đó rất dữ dội.

Nếu là người có nhận thức tốt về pháp luật, họ sẽ xác định được rằng, ghen tuông chỉ là khoảnh khắc. Họ hoàn toàn có thể làm lại một mối quan hệ nào đó, hoặc tìm cách giải quyết tốt hơn, thay vì thực hiện hành vi trái đạo đức, trái pháp luật.

Còn với những người không thoát ra được trạng thái cảm xúc đó, họ bị nung nấu sự hiềm tỵ, hận thù, ghen tuông lên đến đỉnh điểm, khi có điều kiện tác động sẽ bùng lên mạnh mẽ, tạo thành hành vi rất nguy hiểm.

Một số chuyên gia cho rằng, những vụ án giết người do ghen tuông thường bộc phát bất thường nên rất khó phát hiện. Để đấu tranh có hiệu quả, hạn chế loại tội phạm này, quan trọng là phải đẩy mạnh giáo dục đạo đức và tuyên truyền pháp luật cho mọi đối tượng. Cái ác sẽ không có chỗ đứng nếu con người định hướng cho mình lối sống nhân văn.

Ghen là một trạng thái cảm xúc tâm lý của con người phản ánh những suy nghĩ mang tính tiêu cực được biểu hiện bằng cảm giác bất an, sợ hãi, bực tức, ích kỷ, cảm thấy mình thua kém và lo lắng về một sự mất mát.

Trong đó, hai cảm xúc chủ đạo mang tính phổ biến là sự ganh tỵ (hay đố kỵ) thể hiện sự không bằng lòng về một đối tượng hoặc những kết quả, thành tích, hoạt động hoặc sự hạnh phúc, thành công của người khác thể hiện qua thái độ không vui, khó chịu, tức tối, bực bội, hậm hực, bất mãn... và một trạng thái rất phổ biến là sự ghen tuông trong tình yêu và hôn nhân và gia đình.

Theo Human Nature, Infancy

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn