MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vụ nổ súng bắn học sinh ngày 6.12 diễn ra cách cổng Trường THPT Nguyễn Chí Thanh 300m.

Vụ học sinh lớp 10 bị bắn tại Gia Lai: Côn đồ lộng hành, người dân bất an

ĐÌNH VĂN LDO | 09/12/2017 07:35
Liên tiếp các vụ nổ súng diễn ra tại Gia Lai, đã báo động tình hình trị an bất ổn. Đã xuất hiện 3 vụ nổ súng chỉ trong thời gian ngắn, độ tuổi hành động lại rất nhỏ. Mới nhất là việc nổ súng bắn em Đinh Hoàng Long (lớp 10B6, trú TP.Pleiku), ngày 6.12.

Súng nhiều, dễ có

An ninh trật tự tại Gia Lai đang diễn biến phức tạp, dù rằng chính quyền đã ra nhiều quyết sách chế ngự, xử lý. Tuy thế, tình hình khó có thể kiểm soát được trong bối cảnh các băng nhóm xã hội đen, côn đồ hoạt động liều lĩnh. Chúng sẵn sàng bắn chết người chỉ với mâu thuẫn nhỏ, thậm chí chưa biết tên, người mình muốn tước đoạt sinh mạng. Đỉnh điểm là vụ đối tượng Huỳnh Văn Dũng (SN 2001, trú Tổ 13, P.Hội Phú, TP.Pleiku) nổ hai phát súng vào đầu em Đinh Hoàng Long (SN 2001, trú 77C Phan Đình Phùng, TP.Pleiku) ngày 6.12.

Tương tự, ngày 28.7, Lê Tiến Phát (SN 1995, trú P.Yên Đỗ, TP.Pleiku) đã dùng súng bắn chết anh Trương Trọng Toàn (SN 1994, trú thôn Long Thạch, xã Xuân Lộc, huyện Sông Cầu, Phú Yên). Phát đến nhà chị N.T.T.T (P.Ia Kring, TP.Pleiku) để đòi nợ, nhưng bị đánh trả. Bực tức, Phát về cầm súng, bắn vào nhóm thanh niên tại nhà chị T, làm anh Toàn chết tại chỗ. Hay gần đây nhất, là ngày 4.12, dù cùng xã, nhưng vì mâu thuẫn, Nguyễn Văn Vinh (SN 1977, trú thôn 7, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah) cùng 3 đối tượng đi trên xe ôtô tìm Trần Văn Long (SN 1992) và Vũ Xuân Vinh (SN 1998, cùng trú thôn 8, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah) để giải quyết. Nguyễn Văn Vinh bắn 3 phát xuống đất, thấy công cụ “nghi là súng”, Long và Vũ Xuân Vinh phải bỏ chạy.

Huỳnh Văn Dũng, đối tượng nổ súng bắn em Đinh Hoàng Long (học sinh lớp 10)
nguy kịch. Ảnh: ĐÌNH VĂN - PC 45

Người dân bất an

Súng vô hình trung trở thành vũ khí “tiện lợi” trong cất giấu, thể hiện “đẳng cấp”, “số má” nên được ưa chuộng. Chưa kể, việc tàng trữ quá dễ dàng và công khai bày bán. Đến nỗi, Trưởng phòng Chính trị - Tư tưởng (Sở GDĐT Gia Lai), thầy Phạm Văn Căn phải thốt lên: “Tôi vừa gõ mua bán súng trên Google, thấy rất nhiều trang chào bán súng các loại, từ 100 triệu đến loại thấp nhất 1,4 triệu đồng. Nhấp “chuột”, là hàng (súng) được đưa đến tận nhà”. Rõ ràng, với các vụ nổ súng liên tiếp đã phản ánh mặt trái của xã hội, vũ khí thể loại súng đang dần “lên ngôi”.

Bị bắt giữ, P.V.C (SN 1987, trú xã Trà Đa, TP.Pleiku, Gia Lai) khai: Do “đam mê” súng, nên lên internet để tìm hiểu cách lắp ráp. “Hoàn chỉnh”, đăng trên Facebook, nhiều người ưa chuộng, từ đó đã bán cho 26 người trên địa bàn 18 tỉnh/thành phố trên cả nước. Trước khi gửi xe khách, C cho tháo rời các bộ phận “để dễ vận chuyển”. Hay, đối tượng P.V.Đ (SN 1994, trú huyện Chư Pưh, Gia Lai) khai, đã bán các linh kiện súng hơi cồn cho 36 đối tượng trên 23 tỉnh/thành. Mặc dù là hàng cấm, nhưng chỉ cần gõ từ khóa tìm kiếm trên Google, chưa đầy 30 giây, đã có hơn 81.000 kết quả. Điều đó, cho thấy “đường đi” của súng rất dễ.

Trước thực trạng các băng nhóm côn đồ tấn công học sinh, Sở GDĐT Gia Lai thừa nhận, việc bảo vệ các em rất khó. “Khi các em rời khỏi trường thì nhà trường không có phương pháp nào gọi là hữu hiệu để bảo vệ. Ở trường thì nhà trường bảo vệ, ở nhà đã có bố mẹ nhưng đi ra ngoài giao du thì khó quản” - đại diện phòng Chính trị - Tư tưởng (Sở GDĐT Gia Lai) thẳng thắn.

Sở GDĐT Gia Lai cho biết, Bộ Công an và Bộ GDĐT đã có quy chế phối hợp để phòng chống bạo lực trong ngành giáo dục, nhiều văn bản áp dụng, thực hiện rất tốt ở đồng cấp địa phương... nhưng không thể bảo vệ được.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn