MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Vụ kiện tác quyền 13 năm: Họa sĩ Lê Phong Linh thắng kiện

A.T LDO | 03/09/2019 11:44

HĐXX tuyên công nhận Lê Linh là tác giả duy nhất của 4 hình tượng trong Thần đồng đất Việt, xác nhận bà Hạnh không phải là đồng tác giả. Được xác định không phải là chủ sở hữu truyện, Phan Thị  bị buộc chấm dứt việc tạo ra và sử dụng 4 hình tượng nhân vật trong bộ truyện, xin lỗi và bồi thường cho ông Lê Linh.

Sáng 3.9, TAND TP.HCM đưa ra phán quyết vụ tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ truyện Thần đồng đất Việt giữa nguyên đơn là ông Lê Linh, bị đơn là Công ty Phan Thị và bà Phan Thị Mỹ Hạnh.

Nguyên đơn là ông Lê Linh, bị đơn là Công ty Phan Thị và bà Phan Thị Mỹ Hạnh  có mặt tại tòa 3.9. Ảnh: AT

Theo đó, HĐXX nhận thấy, theo quy định của pháp luật, quyền tác giả phát sinh từ thời điểm sáng tạo ra tác phẩm, thể hiện dưới hình thức vật chất nhất định. Tác giả là người sáng tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm. Những điều nằm trong suy nghĩ, tồn tại dưới dạng ý tưởng thì không phải là tác phẩm văn học khoa học.

Về yêu cầu triệu tập Cục Bản quyền tác giả tham gia tố tụng, tòa xét thấy trong quá trình giải quyết phiên tòa sơ thẩm, Cục Bản quyền đã có văn bản gửi tòa. Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, việc tòa án công nhận hay không công nhận giấy chứng nhận do Cục cấp không liên quan đến trách nhiệm của Cục này. Do đó việc tòa không triệu tập cơ quan này là phù hợp quy định của pháp luật.

Bà Phan Thị Mỹ Hạnh thất thần nghe HĐXX phán quyết: Ảnh: AT 


Về việc kháng cáo của Phan Thị yêu cầu đề nghị xác định đồng tác giả, đối tượng tranh chấp là hình thức thể hiện 4 nhân vật Trạng Tí, Sửu Ẹo, Dần Béo, Cả Mẹo. HĐXX nhận định tác giả là người trực tiếp sáng tạo toàn bộ hoặc một phần tác phẩm văn học, nghệ thuật. Quyền tác giả phát sinh từ thời điểm tác phẩm được sáng tạo dưới hình thức nhất định, không phân biệt tác phẩm công bố hay chưa công bố, đăng ký bảo hộ hay chưa đăng ký bảo hộ.

HĐXX cho rằng việc sáng tác và cấp giấy chứng nhận bản quyền tác giả diễn ra khi chưa có Luật sở hữu trí tuệ điều chỉnh, do đó cần áp dụng quy định về sở hữu trí tuệ của Bộ luật dân sự 1995 để giải quyết tranh chấp về quyền tác giả

Kết thúc phiên tòa, họa sĩ Lê Linh bắt tay các luật sư đã giúp đõ minh trong suốt vụ kiện. Ảnh: AT 

Từ những quan điểm nêu trên, HĐXX nhận thấy ngoài ông Lê Linh thì không còn bất kỳ ai tham gia vào quá trình sáng tạo ra tác phẩm Thần đồng đất Việt. Bà Hạnh không phải là tác giả của 4 hình tượng nhân vật Trạng Tí, Sửu Ẹo, Dần Béo, Cả Mẹo

HĐXX cho rằng kháng cáo của Phan Thị và bà Hạnh là không có cơ sở. Bản sơ thẩm xác định Lê Linh là tác giả của 4 hình tượng nhân vật là hoàn toàn phù hợp.

Từ đây, HĐXX cấp phúc thẩm tuyên công nhận Lê Linh là tác giả duy nhất của 4 hình tượng trong Thần đồng đất Việt, xác nhận bà Hạnh không phải là đồng tác giả; buộc Phan Thị phải xin lỗi ông Lê Linh trên 3 kỳ liên tiếp trên 2 tờ báo; thanh toán 15 triệu đồng chi phí luật sư cho Lê Linh.

Trao đổi với PV Lao Động sau phiên tòa, họa sĩ Lê Linh cho biết: "Trải qua 13 năm theo vụ kiện tác quyền Thần đồng Đất việt, tôi cảm thấy rất hài lòng về bản án phúc thẩm này. Còn về vấn đề có sáng tạo tiếp tục bộ truyện Thần đồng Đất việt hay không thì còn phải tùy thuộc vào vấn đề khác của quyền sở hữu và quyền tác giả. Trong thời gian tới thì tôi cũng sẽ tiếp tục phát triển những dự án mới để phục vụ công chúng và bạn đọc".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn