MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nguyễn Việt Cường - lái xe ôtô hất nam đại úy lên nắp capo. Ảnh: Công an Hà Nội

Vụ lái xe hất cảnh sát lên nắp capo ở Hà Nội có dấu hiệu tội Giết người

Quang Việt LDO | 02/04/2024 07:58

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Hà Thị Khuyên cho hay, lái xe Nguyễn Việt Cường dùng phương tiện giao thông là "nguồn nguy hiểm cao độ", hất đại úy cảnh sát lên nắp capo có thể bị xử lý về tội "Giết người".

Ngày 2.4, luật sư Hà Thị Khuyên - Trưởng Văn phòng Luật sư Nhân Chính (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) - trao đổi về vụ việc lái xe hất cảnh sát lên nắp capo ở huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Theo diễn biến sự việc, đầu giờ chiều 1.4, Nguyễn Việt Cường (19 tuổi) khi đang điều khiển ôtô mang biển kiểm soát 29A-450.00, nhãn hiệu Mazda CX5 được tổ công tác thuộc Đội Cảnh sát Giao thông - Trật tự (Công an huyện Thanh Trì) yêu cầu hạ kính xuống để kiểm tra nồng độ cồn, song không chấp hành.

Anh ta bất ngờ lái xe ôtô tăng ga lao thẳng vào tổ công tác và hất văng đại úy Đình Văn Ngọc lên nắp capo ôtô rồi bỏ chạy cách đó khoảng 200m.

Quá trình bỏ chạy, lái xe lạng lách, đánh võng để hất văng đại uý Ngọc xuống đường và tiếp tục bỏ chạy. Ngoài ra, cú đâm đã làm đại úy Đình Văn Ngọc bị thương ở khuỷu tay trái, đầu gối phải, chấn thương phần mềm.

Theo luật sư Khuyên, hành vi của lái xe này rất liều lĩnh, côn đồ và manh động; coi thường tính mạng của người khác cần xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Dù bất cứ lý do gì đi chăng nữa thì tài xế này cũng không được phép dùng phương tiện giao thông “là nguồn nguy hiểm cao độ” để hất chiến sĩ công an lên nắp capo lạng lách chạy với tốc độ cao như vậy.

"Không những gây nguy hiểm cho chiến sĩ công an mà còn gây nguy hiểm cho người và phương tiện giao thông khác đang lưu thông trên đường", luật sư Khuyên cho hay.

Đồng tình với quan điểm của Công an huyện Thanh Trì, luật sư Khuyên cho rằng, việc hất văng đại úy Đình Văn Ngọc lên nắp capo, có dấu hiệu chống người thi hành công vụ rất rõ.

Song, theo luật sư, án lệ số 30/2020 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã nêu rõ về việc “điều khiển phương tiện giao thông chèn lên bị hại được coi là hành vi giết người”.

Trong vụ việc, hành vi khách quan đã phản ánh phần nào ý thức chủ quan của tài xế này. Anh ta đã dùng phương tiện giao thông là nguồn nguy hiểm cao độ để tông thẳng vào người chiến sĩ công an.

Tài xế này buộc phải nhận thức được đây là hành vi rất nguy hiểm, có thể tước đoạt tính mạng của nạn nhân. Ngoài ra, tài xế này đã thực hiện thêm một chuỗi các hành vi khác mà không có dấu hiệu dừng lại nhằm gây nguy hiểm cho chiến sĩ công an.

Trường hợp đủ cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự, tài xế này rất có thể sẽ bị xử lý về Tội giết người theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015 trường hợp phạm tội chưa đạt.

Qua vụ việc, theo quan điểm của luật sư, các chiến sĩ công an khi làm nhiệm vụ cũng cần có các biện pháp an toàn để bảo vệ tính mạng, sức khoẻ của bản thân.

Đồng thời các tài xế khi tham gia giao thông phạm lỗi nên chấp hành biện pháp xử lý của lực lượng chức năng, tránh đẩy sự việc đi quá xa. Bởi hành vi ban đầu có thể chỉ vi phạm hành chính, song việc chống đối đã dẫn tới bị xử lý hình sự.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn