MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại diện VAB tham gia phiên tòa xét xử siêu lừa Nguyễn Thị Hà Thành chiếm đoạt hơn 433 tỉ. Ảnh: Việt Dũng

Vụ lừa 433 tỉ: Luật sư truy vấn việc "om" tiền, đại diện VAB nói không biết

Việt Dũng LDO | 13/03/2023 20:00

Hà Nội - Trong vụ án Nguyễn Thị Hà Thành chiếm đoạt hơn 433 tỉ đồng của 3 ngân hàng, 4 cá nhân, có nhiều đại gia đứng tên đồng sở hữu với "siêu lừa" không lấy được tiền ra.

Phiên toà chiều 13.3 xét xử 26 bị cáo trong vụ án Nguyễn Thị Hà Thành "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", HĐXX TAND Hà Nội dành phần lớn thời gian để các luật sư tham gia xét hỏi các bị cáo, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.

Theo cáo buộc, Nguyễn Thị Hà Thành dùng thủ đoạn góp tiền gửi tiết kiệm đồng sở hữu để từ đó chiếm đoạt tiền của 3 ngân hàng, 4 cá nhân, tổng số hơn 433 tỉ đồng.

Trong số này, nhiều người đứng tên đồng sở hữu với "siêu lừa" gửi tiền tiết kiệm "khóc dở" vì không rút được tiền do tài khoản bị ngân hàng phong toả.

Bảo vệ cho khách VIP Trịnh Hùng Cường, bị thiệt hại 29 tỉ đồng, luật sư Đặng Thành Tài trình bày: "Thân chủ tôi, khách hàng của VietABank, ký hợp đồng tiền gửi với ngân hàng, mang tiền đến nộp theo đúng quy định và hướng dẫn, đã ký và nhận đầy đủ phiếu kiểm tiền".

Tuy nhiên, trong hồ sơ thể hiện, VAB tự tất toán, thu giữ số tiền gửi sổ tiết kiệm khách hàng đồng sở hữu. Luật sư đã chất vấn đại diện ngân hàng VAB về điều này.

"Chúng tôi không phải là tạm giữ, hay tất toán tiền của ai cả. Khi có dấu hiệu phạm tội, chúng tôi có trách nhiệm báo lên, trình lên các cơ quan pháp luật để điều tra", đại diện VAB đáp.

Luật sư Tài nhắc lại câu hỏi trên và đề nghị đại diện VAB chỉ cần trả lời "đúng hay không".

Trả lời câu hỏi của luật sư, đại diện VAB cho biết: "Chúng tôi không có khái niệm đúng hay không. Chúng tôi làm đúng theo quy định pháp luật. Chúng tôi không có khái niệm tự ý". Vị này cho biết, đây là lần cuối trả lời về vấn đề này.

"Lý do không trả tiền cho các đồng sở hữu cho khách hàng gửi tiền tại ngân hàng?", luật sư Tài hỏi tiếp.

Đại diện VAB cho rằng, không khác câu hỏi trước nên không trả lời.

Chưa nhận được câu trả lời, luật sư tiếp tục chất vấn và được đại diện VAB đáp: "VietABank khi đó nhận thấy các sổ tiết kiệm này có dấu hiệu liên quan vụ án nghiêm trọng nên có trách nhiệm làm các nghiệp vụ, đúng thẩm quyền ngân hàng, đảm bảo công tác điều tra".

"Vậy theo ông các dấu hiệu đó là gì?", luật sư Tài tiếp tục truy vấn, song đại diện VietABank đáp: "Tôi không trả lời".

Trước phiên xét xử, VietABank có văn bản gửi các cơ quan điều tra, tố tụng, thông báo ngân hàng "đã rút tất toán toàn bộ số tiền" trong các sổ tiết kiệm của các khách hàng này để khắc phục hậu quả cho vụ án.

Cho rằng việc này là không đúng, luật sư Tài hỏi: "VietABank dựa vào đâu làm vậy?". Đại diện VAB không hồi đáp.

Luật sư Tài phân tích, khách hàng ký hợp đồng hợp pháp với ngân hàng. Hà Thành cấu kết cùng nhân viên ngân hàng làm giả chữ ký của khách, để thế chấp và vay tiền, thì hai loại tiền đó khác nhau.

"Khách hàng không thế chấp, phải trả lại tiền cho khách. Hà Thành giả chữ ký khách để chiếm đoạt tiền của ngân hàng thì phải buộc Thành bồi thường, không thể lấy tiền của khách để đền VietABank", ông cho hay.

Trong vụ án, ông Cường là bị hại, thiệt hại 29 tỉ đồng, ngoài ra ông có 3 sổ tiết kiệm liên quan vụ án, tổng 95 tỉ đồng, đều đã bị VAB "om". Ông Cường có đề nghị ngân hàng trả lại cho mình số tiền này.

Sau khi đặt một loạt câu hỏi, song phía VAB đều dứt khoát nói "không biết", các luật sư ngừng đặt câu hỏi.

"Cái gì VietAbank cũng nói không biết, luật sư chúng tôi cũng không biết hỏi gì nữa".

Ngoài ông Cường, một loạt các "đại gia" khác cũng bị các ngân hàng liên quan vụ án "giam" tiền của sổ tiết kiệm. Trong đó, bà Triệu Thị Tuyết Trinh bị VAB giam 3 sổ tiết kiệm, tổng cộng 75 tỉ đồng.

Ông Đặng Nghĩa Toàn có một sổ tiết kiệm 20 tỉ đồng ở VietABank, 4 sổ trị giá 50 tỉ đồng ở NCB và 4 sổ trị giá 52 tỉ đồng tại PVcomBank.

Họ cho hay, đều mất tiền do tin tưởng tuyệt đối nhân viên các ngân hàng. Nay, họ đề nghị NCB, VietABank và PVcomBank trả lại toàn bộ tiền bị "giam" trong các sổ tiết kiệm.

Ngày mai phiên tòa tiếp tục.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn