MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bị cáo Hoàng trong một phiên tòa.

Vụ lùi xe gây tai nạn trên cao tốc Thái Nguyên: Tòa hoãn phiên xử

Việt Dũng LDO | 16/01/2020 10:59
Phiên tòa xét xử hai bị cáo Ngô Văn Sơn (41 tuổi, Bắc Ninh) và Lê Ngọc Hoàng (34 tuổi, Thái Bình) gây tai nạn khiến 5 người chết, chưa ra được phán quyết trong ngày hôm nay.

Hôm nay (16.1), Tòa án Nhân dân thị xã Phổ Yên (tỉnh Thái Nguyên) mở phiên sơ thẩm xét xử hai bị cáo Hoàng và Sơn cùng về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” quy định tại khoản 3, Điều 202, Bộ luật Hình sự năm 1999.

Ngay phần đầu thủ tục phiên tòa, phía bị hại đã có đề nghị xin hoãn để mời người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình; bị cáo Hoàng cũng xin hoãn phiên tòa.

Xem xét các ý kiến trên, tòa đã tuyên bố hoãn đến ngày 14.2 sẽ mở lại.

Theo cáo trạng, khoảng 15h30 ngày 19.11.2016, Sơn (trong máu có nồng độ cồn), điều khiển ô tô Innova chở trên xe quá số người được phép chở (11/8 người) đi trên đường cao tốc hướng Hà Nội - Thái Nguyên. Khi đến địa phận xóm Sứ, xã Tân Hương, thị xã Phổ Yên, do đi quá nút giao Yên Bình nên Sơn đã dừng xe bên phải lề đường.

Sau đó, Sơn bật đèn cảnh báo nguy hiểm rồi lùi xe theo hướng Thái Nguyên - Hà Nội để đi ra khỏi nút giao Yên Bình.

Cùng lúc đó, Hoàng điều khiển ô tô đầu kéo, kéo theo rơ-moóc với tốc độ 62 km/h đi đến nút giao Yên Bình. Hoàng không giảm tốc độ khi gặp biển báo hiệu nguy hiểm “đi chậm” mà vẫn đi với tốc độ 62km/h; không giảm tốc độ thấp hơn tốc độ tối thiểu và không khẩn trương giảm tốc độ tới mức an toàn.

Khi phát hiện xe Innova do Sơn điều khiển phía trước cùng làn đường có bật đèn cảnh báo nguy hiểm nên đầu xe của Hoàng đã đâm vào đuôi ô tô này gây tai nạn. Hậu quả vụ tai nạn làm 4 người chết (một người sau này tử vong), 1 người bị thương, thiệt hại tài sản trên 730 triệu đồng.

Cơ quan công tố xác định, bị can Sơn có lỗi vi phạm khoản 2, Điều 16; khoản 8, Điều 8 và điểm d, khoản 1, Điều 68, Luật Giao thông đường bộ; bị can Hoàng vi phạm Điều 12, Luật Giao thông đường bộ; khoản 1, Điều 5, Thông tư số 91/2015/TT-BGTVT ngày 31.12.2015 của Bộ Giao thông Vận tải.

Trước đó, vụ án này đã được Tòa án Nhân dân thị xã Phổ Yên đưa ra xét xử sơ thẩm và tuyên phạt Sơn 10 năm, Hoàng 8 năm. Sau đó, Tòa án Nhân dân tỉnh Thái Nguyên xét xử phúc thẩm, tuyên phạt Sơn 9 năm tù, Hoàng 6 năm.

Tuy nhiên, Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội, trong phiên Giám đốc thẩm đã tuyên hủy cả hai bản án trên, để điều tra lại, làm rõ một số tình tiết trong vụ án.

Kết quả điều tra ra tháng 9 vừa qua, cơ quan công an cho rằng, người điều khiển xe đầu kéo với tốc độ 62km/h có thể nhìn thấy biển báo đi chậm thứ nhất (theo hướng Hà Nội- Thái Nguyên) tại nút giao thông Yên Bình khi cách biển báo 170,0m; có thể nhìn thấy xe Innova trong trạng thái dừng và bật đèn khi trục bánh trước xe đầu kéo cách trục bánh sau xe Innova 241,1m.

Người điều khiển xe đầu kéo với tốc độ 62km/h có thể nhìn thấy xe Innova trong trạng thái lùi và bật đèn khi trục bánh trước xe đầu kéo cách trục bánh sau xe Innova 122,5m.

Trong những nội dung yêu cầu tại quyết định Giám đốc thẩm, còn có nội dung không thực hiện được. Tuy nhiên, theo cơ quan điều tra, những nội dung đó không ảnh hưởng đến việc xác định lỗi của bị can Hoàng.

Lý do và căn cứ đề nghị truy tố đối với bị can Sơn và Hoàng được CQĐT chỉ ra: Bị can Sơn điều khiển xe ô tô khi trong hơi thở có nồng độ cồn, chở quá số người được phép chở, lùi trên đường cầm lùi.

Bị can Hoàng không giảm tốc độ khi gặp biển báo hiệu nguy hiểm (biển báo "đi chậm") và ô tô phía trước cùng làn đường có đèn cảnh báo, đã vi phạm khoản 1, điều 5, Thông tư 91/2015/TT- BGTVT ngày 31.12.2015.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn