MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hoang tàn trang trại chăn nuôi bò của Cty Bình Hà. Ảnh: HV

Vụ nguyên Tổng Giám đốc Cty Bình Hà bị bắt: Đại dự án, vì sao thất bại?

QUANG ĐẠI - LAM CHI LDO | 13/06/2018 16:29
Diễn biến mới nhất vụ ông Đinh Văn Dũng, nguyên Tổng Giám đốc Cty CP chăn nuôi Bình Hà (đóng tại xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) bị bắt tạm giam, cơ quan điều tra cho biết, người này đã có hành vi cấu kết nâng khống khối lượng, chiếm đoạt 110 tỷ đồng khi thực hiện dự án trại chăn nuôi bò giống và bò thịt Bình Hà.

Cơ quan điều tra xác định ông Nguyễn Xuân Lương, Giám đốc Cty Tân Đại Việt (trụ sở tại phường Thạch Quý, TP.Hà Tĩnh) là đồng phạm với ông Dũng, nên đã khởi tố bị can Lương với tội danh tương tự.

Đây là thông tin rất xấu về một dự án có tổng vốn đầu tư lên đến hơn 4.500 tỷ đồng, từng được kỳ vọng sẽ tạo ra “động lực” thúc đẩy kinh tế Hà Tĩnh, tạo việc làm cho khoảng 3.000 lao động.

Theo điều tra của PV, tại thời điểm đó, lãnh đạo Hà Tĩnh đã quyết tâm rất cao và tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp để nhanh chóng triển khai dự án. Công tác giải phóng mặt bằng được đốc thúc quyết liệt, và dự án triển khai với tốc độ rất cao.

Tuy nhiên, khi vừa đi vào hoạt động, dự án đã gây ô nhiễm môi trường, do chưa hoàn thành các hạng mục theo báo cáo tác động môi trường.

Đến thời điểm hiện tại, dự án đã rơi vào tình trạng “chết lâm sàng”, bế tắc, mặc dù doanh nghiệp đã đổ vào đây một lượng tiền không nhỏ.

Lượng bò nuôi chỉ còn lại thưa thớt vài trăm con, hàng dãy chuồng trại mênh mông bỏ trống, một diện tích đất rất lớn bỏ hoang.

Một phần đất đã được doanh nghiệp chuyển sang... trồng chuối, nhưng hiệu quả cũng mịt mờ.

Một cán bộ xã Cẩm Quan (Cẩm Xuyên) thẳng thắn: “Không hiểu họ tính toán, khảo sát thế nào, chứ đất ở đây cỏ cũng không mọc được, mà lại quyết lấy để trồng cỏ nuôi bò” (?).

Hàng nghìn hecta đất được giao cho Cty Bình Hà nuôi bò nhưng không hiệu quả. Ảnh: HN

Ông Phạm Đăng Nhật - Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên cũng xác nhận, hiện dự án chăn nuôi bò của Cty Bình Hà không phát huy hiệu quả. “Chúng tôi chưa nắm được các thủ tục của doanh nghiệp khi chuyển sang trồng chuối”, ông Nhật cho hay.

Tuy nhiên, khi PV đặt vấn đề đây có phải là bài học cho việc triển khai dự án kém hiệu quả, ông Nhật lại cho rằng “hãy còn quá sớm để đánh giá”.

Một vấn đề cần lưu ý là món nợ ngân hàng mà chủ đầu tư dự án phải gánh. Theo thông tin, BIDV đã cam kết cho vay 3.162 tỷ đồng. Dự kiến, quy mô vốn tín dụng dài hạn BIDV dành cho dự án là 2.190 tỷ đồng, vay ngắn hạn để nhập khẩu bò giai đoạn 1 và 2 là 970 tỷ đồng. 

Được biết, BIDV đã giải ngân 810 tỷ đồng, trong đó vốn dài hạn đạt 492 tỷ đồng để thực hiện xây dựng dự án, cho vay ngắn hạn 318 tỷ đồng để thực hiện nhập khẩu bò, thuốc thú y, thức ăn...

Trong trường hợp dự án đổ bể, việc thanh toán nợ cho ngân hàng là bài toán không hề đơn giản.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn