MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hiện trường vụ phá rừng với quy mô lớn ở huyện Ea H’Leo trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua. Ảnh: T.X

Vụ phá Rừng ở Đắk Lắk trong Tết Nguyên đán: Chủ rừng bất lực, đùn đẩy trách nhiệm

BẢO TRUNG LDO | 24/02/2021 09:16
Dịp nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, lợi dụng sự mất cảnh giác, phân bố lực lượng bảo vệ mỏng của các chủ rừng, lâm tặc đã liên tục hoành hành trở lại ở địa phương này. Vào thời điểm lâm tặc phá rừng, các chủ rừng hầu như đều lâm vào cảnh bị động, không ứng phó được. Vì vậy, rừng ở “thủ phủ” vùng Tây Nguyên tiếp tục bị thiệt hại nặng nề và khó có thể phục hồi...

Lâm tặc tung hoành

Ngày 23.12, ông Lê Thanh Khánh - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ea H’Leo thông tin, vừa nhận báo cáo của về việc phá rừng tại xã Ea Sol do Công ty Lâm nghiệp HTV Ea H’Leo quản lý. Có 2 điểm phá rừng tại đó. Hạt đã báo cáo sự việc đến lãnh đạo huyện và đề nghị Công an, Viện kiểm sát vào cuộc để giám định, xử lý theo quy định. Các đối tượng lâm tặc lợi dụng thời điểm Tết Nguyên đán để vào rừng đốn hạ cây. Đây cũng là lần đầu tiên có vụ phá rừng quy mô lớn từ khi tôi nhận nhiệm vụ làm Hạt trưởng...”.

Được biết, rừng do Cty trên quản lý bị phá hoại chủ yếu khu vực ở lô 15 khoảnh 3, tiểu khu 64. Đa phần các loại cây bị tàn phá là cày, trâm và nhiều loại gỗ tạp khác... Hàng loạt cây có chiều cao hơn 3m, đường kính 20-50 cm bị một nhóm lâm tặc xẻ thịt nằm la liệt giữa rừng.

Đại diện Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk thông tin, diện tích rừng bị phá ở khu vực huyện Ea H’Leo khoảng hơn 1ha nhưng chủ rừng, kiểm lâm địa bàn vẫn chưa bắt được lâm tặc. Ít ngày trước, Hạt kiểm lâm 2 huyện Krông Búk và Ea H’Leo còn phát hiện thêm 1 vụ phá rừng ở lâm phần quản lý của phía Công ty xây dựng đầu tư - xuất nhập khẩu Phước Thành với diện tích cũng gần 1ha, mức độ thiệt hại là 100%.

Như Báo Lao Động thông tin, ngày mùng 1 Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Công an huyện Krông Bông thành lập tổ công tác đặc biệt với hơn 20 cán bộ, chiến sĩ chia thành nhiều nhóm tiến hành theo dõi, mật phục các đối tượng khai thác lâm sản trái phép tại khu vực Núi Voi Kéo (thuộc lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông). Sau gần 3 ngày truy quét, tổ công tác đã bắt quả tang 6 đối tượng đang dùng 5 con trâu kéo khoảng 7m3 gỗ quý pơmu khai thác trái phép. Sau đó, Công an huyện Krông Bông đã tạm giữ thêm 3 đối tượng tình nghi.

Thống kê mới nhất của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk: Trước Tết Nguyên đán, lực lượng kiểm lâm đã phát hiện, xử lý khoảng 10 vụ phá rừng, vận chuyển lâm sản trái phép ở địa bàn huyện Buôn Đôn, Krông Pắk, Ea H’Leo, M’Đrắk và TP.Buôn Ma Thuột. Riêng tại lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông, lực lượng chức năng còn phát hiện thêm 88 vụ phá rừng làm nương rẫy với tổng diện tích lên đến hơn 20ha.

Sự bất lực của các chủ rừng

Đây không phải là lần đầu tiên lâm tặc hoành hành ở cánh rừng do các công ty lâm nghiệp trên nhận nhiệm vụ quản lý, bảo vệ. Nhiều vụ phá rừng cũng chỉ được lãnh đạo công ty phát giác nhờ sự vào cuộc của lực lượng công an, chính quyền địa phương hoặc sau phản ánh của báo chí. Nhưng đó chỉ là “muối bỏ bể”. Những năm qua, số lần lâm tặc khai thác, vận chuyển trót lọt gỗ ra bên ngoài, diện tích rừng bị tàn phá với con số chính xác là bao nhiêu thì chẳng có chủ rừng nào “đo đong đếm nổi”. Diện tích rừng tự nhiên ở Đắk Lắk ngày càng sụt giảm cũng một phần vì lẽ đó.

Ông Nguyễn Công Hùng - Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Ea H’Leo cho hay: “Vào ngày mùng 4 Tết, đơn vị thực hiện việc đi kiểm tra rừng tại xã Ea Sol thì phát hiện vụ việc trên. Đáng nói, các điểm có những cây to và chúng tôi nghi ngờ bị lâm tặc tàn phá thì lại không hề xảy ra. Hai điểm vừa bị tàn phá thì do địa hình xa và giáp ranh khu vực Gia Lai nên việc di chuyển, xác định vụ việc gặp rất nhiều khó khăn”.

Tại Krông Bông khi lâm tặc phá rừng, ông Bùi Quốc Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông - lại đẩy trách nhiệm: “Tôi là giám đốc điều hành còn ông Võ Sỹ Sáu là Chủ tịch công ty, đại diện pháp luật. Với vai trò quản lý là tôi đã làm, còn vai trò bảo vệ là anh em phân trường”.

Ông Kiểu Thanh Hà - Phó Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm Lâm Đắk Lắk - nhận định: Thực tế, để lâm tặc hoành hành một phần là do năng lực quản lý, công cụ hỗ trợ bảo vệ rừng của các chủ rừng còn hạn chế. Các công ty lâm nghiệp chưa thực thi được đầy đủ trách nhiệm chuyên môn; chưa lập phương án khả thi để ngăn chặn lâm tặc phá rừng ở khu vực được giao quản lý. Các chủ rừng ở tỉnh chỉ mới tập trung báo cáo các sự việc đã xảy ra, chưa có sự chủ động, quyết liệt ngay từ ban đầu. Nếu các chủ rừng sâu sát, quyết liệt hơn nữa thì vẫn có thể bắt được lâm tặc chứ không cần chờ đến lúc sự việc đã rồi mới báo cáo. Trước đó, cá nhân ông Hùng, ông Tuấn đã bị UBND tỉnh kiểm điểm trách nhiệm do để lâm tặc hoành hành.

Theo ông Kiều Thanh Hà, để ngăn chặn nạn phá rừng thì nguồn lực từ con người đến công cụ hỗ trợ của các công ty lâm nghiệp còn quá yếu, khó trấn áp được tội phạm. Lâm tặc hiện có nhiều thủ đoạn tinh vi, đường đi nước bước của chủ rừng khi triển khai công tác chuyên môn dễ bị chúng nắm được trước.

“Để ngăn chặn nạn phá rừng thì lãnh đạo công ty lâm nghiệp phải vào cuộc quyết liệt, dấn thân vào công việc; phân công nhân sự làm nhiệm vụ bảo vệ rừng phải còn trẻ, nhiệt huyết; dành nguồn lực tăng đồng lương, bổ sung công cụ hỗ trợ cho anh em. Và một khi giữ không được rừng thì lãnh đạo công ty lâm nghiệp chỉ có thiếu chuyên môn nghiệp vụ hoặc thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý”, ông Hà nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn