MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Vụ phúc thẩm Dương Thị Bạch Diệp: Khi nào cần trưng cầu giám định tâm thần?

Anh Tú LDO | 05/10/2022 08:24

TPHCM - Liên quan đến việc luật sư bào chữa cho bị cáo Dương Thị Bạch Diệp cho rằng cần trưng cầu giám định sức khỏe và tình trạng tâm thần của bà Dương Thị Bạch Diệp tại phiên tòa phúc thẩm ngày 4.10, nhiều độc giả thắc mắc khi bị cáo có dấu hiệu tâm thần thì phiên tòa sẽ xét xử như thế nào? Cách thức giám định tâm thần ra sao?,...

Ngày 4.10, TAND Cấp cao tại TPHCM mở phiên phúc thẩm xem xét kháng cáo của bị cáo Nguyễn Thành Tài (cựu Phó Chủ tịch UBND TPHCM); Dương Thị Bạch Diệp (Giám đốc Công ty TNHH Bất động sản Diệp Bạch Dương) và đồng phạm. Trong vụ án này, nữ đại gia Dương Thị Bạch Diệp bị toà án cấp sơ thẩm tuyên án tù chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Sau phiên sơ thẩm, bà Dương Thị Bạch Diệp có đơn kháng cáo kêu oan.

Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 4.10, luật sư bào chữa của nữ đại gia cho biết, từ khi bị tạm giam, bà Diệp liên tục được trại giam T16 đưa đi cấp cứu, phải điều trị trong suốt thời gian dài. Gần đây, Bệnh viện 30.4, có giấy chuyển bà Diệp tới Bệnh viện Tâm thần TPHCM để khám bệnh, đề nghị kiểm tra tâm thần vì nữ đại gia liên tục có dấu hiệu hoảng loạn...

Vì vậy, luật sư bào chữa kiến nghị ban hành quyết định trưng cầu giám định về sức khỏe và tình trạng tâm thần đối với bà Diệp nhằm đảm bảo tính công tâm khách quan và tính chính xác trong lời khai của bị cáo đối với vụ án. Sau khi hội ý, HĐXX thông báo, sẽ triệu tập gấp những bác sĩ khám bệnh cho bị cáo Diệp tại Bệnh viện 30.4 và triệu tập 1 bác sĩ chuyên khoa tới khám, chữa bệnh cho bị cáo tại tòa. 

Bà Dương Thị Bạch Diệp tại tòa. 

Liên quan đến vấn đề trưng cầu giám định cho bị can, bị cáo có dấu hiệu bị tâm thần, luật sư Đỗ Duy Khang, thuộc Văn phòng Luật sư Xuân Phú (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết:

Trong quá trình xét xử, nếu Tòa án phát hiện có căn cứ cho rằng bị can, bị cáo có dấu hiệu bị bệnh tâm thần, làm mất khả năng nhận thức và làm chủ hành vi thì Tòa án ra quyết định trưng cầu giám định. Theo đó, căn cứ vào kết luận giám định pháp y tâm thần, tùy vào từng trường hợp cụ thể, Tòa án đang thụ lý giải quyết vụ án có thể ra một trong các quyết định sau:

Nếu kết luật giám định cho thấy bị cáo không có biểu hiện tâm thần thì khi xét xử, Tòa vẫn sẽ tiến hành phiên xử. Trong trường hợp qua giám định, xác định bị cáo bị bệnh tâm thần thì theo luật định sẽ phải tạm đình chỉ việc xét xử. Cùng với đó, Tòa án ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với bị can, bị cáo, không cho phép chữa trị tại nhà. Và sau khi bị cáo khỏi bệnh sẽ tiếp tục đưa ra xét xử.

Trường hợp nếu xét thấy còn thiếu chứng cứ chứng minh mà Tòa án không thể tự bổ sung được thì Tòa án có thể quyết định trả hồ sơ vụ án, yêu cầu Viện kiểm sát điều tra bổ sung.

Ngoài ra, với một số trường hợp dùng bệnh án tâm thần giả để trốn tội thì cần điều tra làm rõ để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật những người liên quan, đồng thời coi đây là tình tiết tăng nặng hình phạt đối với bị can, bị cáo.

Cũng theo luật sư Khang, kết luận giám định tâm thần được pháp luật quy định là một trong nguồn chứng cứ quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án. Vì thế, quy trình để giám định pháp y một người có bị mắc tâm thần hay không cần phải được tuân thủ một cách rất nghiêm ngặt.

Việc giám định có thể tiến hành tại cơ quan giám định hoặc tại nơi tiến hành điều tra vụ án ngay sau khi có quyết định trưng cầu, yêu cầu giám định. Và việc giám định có thể do cá nhân hoặc do tập thể thực hiện, thời hạn quy định giám định là không quá 3 tháng.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 42 Luật Giám định tư pháp 2012, đối với lĩnh vực giám định pháp y tâm thần thì thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế. Theo đó, căn cứ tình hình thực tế, tính chất từng vụ việc, các tổ chức pháp y tâm thần lựa chọn hình thức giám định pháp y tâm thần phù hợp theo quy trình giám định của một trong các hình thức giám định sau: Giám định nội trú; giám định tại phòng khám; giám định trên hồ sơ (giám định vắng mặt); giám định bổ sung (Điều 210 BLTTHS 2015); giám định lại (Điều 211 BLTTHS 2015); Giám định lại lần thứ hai, giám định đặc biệt (Điều 212 BLTTHS 2015).

Luật sư Khang cho biết, trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày nhận được kết luận giám định thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải thông báo kết luận giám định cho bị can, bị cáo. Và bị can, bị cáo, có quyền trình bày ý kiến của mình về kết luận giám định; đề nghị giám định bổ sung hoặc giám định lại và Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải lập biên bản (trường hợp bị can, bị cáo trình bày trực tiếp).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn