MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Gia cầm, vật nuội của người dân bị chết do rò rỉ khí Amoniac. Ảnh ST

Vụ rò rỉ khí amoniac tại TPHCM: Người dân bị thiệt hại có thể yêu cầu bồi thường

Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM LDO | 12/10/2017 15:00
Loại hình kinh doanh của Cty TNHH Vĩnh Lộc là kinh doanh có điều kiện, vì vậy, nếu có căn cứ về việc Cty này không đảm bảo các điều kiện của pháp luật gây rò rỉ khí NH3 ra môi trường thì phải bị xử phạt hành chính, trách nhiệm dân sự hoặc có thể bị xử lý hình sự.

Điểm c, khoản 1,điều 68, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 quy định: “Chủ cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ phải đáp ứng yêu cầu bảo đảm không để rò rỉ, phát tán khí độc hại ra môi trường. Nếu không đảm bảo yêu cầu này mà gây ô nhiễm môi trường thì sẽ phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước”.

Điều 602 Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015 có quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường, theo đó: “Chủ thể làm ô nhiễm môi trường mà gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp chủ thể đó không có lỗi”.

Việc bồi thường thiệt hại được áp dụng theo quy định của BLDS 2015, cụ thể, thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm (Điều 590), gồm: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do sức khỏe bị xâm phạm…

Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm (Điều 589 BLDS 2015) gồm: Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng; Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút; Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại; Thiệt hại khác do luật quy định.

Việc bồi thường thiệt hại được hướng dẫn cụ thể tại Mục II, Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/07/2006 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao. Theo quy định tại điểm a, khoản 3, Điều 164 Luật Bảo vệ môi trường 2014 thì nguyên tắc xử lý hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường được xác định như sau: a) Người đứng đầu trực tiếp của tổ chức phải chịu trách nhiệm đối với hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường có liên quan đến hoạt động của tổ chức mình;

Do đó, khi có căn cứ xác định việc Cty TNHH Vĩnh Lộc đã không đảm bảo các điều kiện đúng quy định dẫn đến tình trạng rò rỉ khí amoniac NH3 ra môi trường, thì người đứng đầu trực tiếp của Cty TNHH Vĩnh Lộc phải chịu trách nhiệm đối với hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức mình, phải có trách nhiệm khắc phục hậu quả và bồi thường thiệt hại do hành vi của mình gây ra.

Như vậy, những người bị thiệt hại do hành vi gây ô nhiễm môi trường của Cty Vĩnh Lộc có quyền yêu cầu người đứng đầu trực tiếp của Cty bồi thường thiệt hại.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn