MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Vụ sàm sỡ bé gái: Người hiểu luật mà phạm luật phải xử ở mức cao nhất

Cường Ngô LDO | 06/04/2019 13:30
Ông Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND Tối cao cho rằng đối với những người có hiểu biết về pháp luật, đã và đang thực thi pháp luật nhưng có hành vi vi phạm pháp luật, phải xử lý nghiêm, ở mức cao nhất.

Ngày 5.4, VKSND Tối cao tổ chức hội nghị tập huấn công tác bồi thường thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự thuộc trách nhiệm của VKSND.

Tại hội nghị, ông Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND Tối cao cho biết, đối với người hiểu biết rất rõ về pháp luật, đã và đang thực thi pháp luật mà lại có hành vi vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng nghiêm trọng uy tín của cơ quan nhà nước thì phải xử lý thật nặng, xử lý ở mức cao nhất có thể để răn đe và phòng ngừa chung.

Mặc dù ông Lê Minh Trí không nói cụ thể trường hợp nào, nhưng nhiều người liên tưởng đến vụ việc ông Nguyễn Hữu Linh, nguyên Phó Viện trưởng VKSND TP Đà Nẵng, sàm sỡ bé gái trong thang máy chung cư ở quận 4, TPHCM cách đây mấy ngày.

Bởi, liên quan vụ việc này, VKSND Tối cao đã chỉ đạo Viện trưởng VKSND TP Hồ Chí Minh phối hợp với Cơ quan điều tra và các cơ quan có thẩm quyền của TP Hồ Chí Minh tiến hành xác minh, làm rõ sự việc và xử lý nghiêm minh, không bỏ lọt tội phạm. Đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng có biện pháp hiệu quả để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cháu bé.

"Các cơ quan chức năng cần khẩn trương tiến hành xác minh, phối hợp chặt chẽ, xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, bất kể người đó là cán bộ đương chức hay đã nghỉ hưu", VKSND Tối cao nêu quan điểm.

Ngày 5.4, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM đã có văn bản gửi Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an và VKSND quận 4, TPHCM về việc đề nghị khởi tố vụ án đối với vụ bé gái bị dâm ô trong thang máy xảy ra tại chung cư Galaxy 9, quận 4, TPHCM.

Hội Bảo vệ quyền trẻ em nhận thấy, hành vi của Nguyễn Hữu Linh cần được khởi tố để điều tra về tội Dâm ô với người dưới 16 tuổi theo quy định tại Điều 146 Bộ luật Hình sự 2015. Tội phạm này, Bộ luật Hình sự không quy định phải khởi tố theo yêu cầu người bị hại (do chủ thể là người dưới 16 tuổi) nên không cần đơn yêu cần khởi tố của gia đình nạn nhân.

Căn cứ theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự 2015 và Thông tư liên tịch giữa VKSND Tối cao, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng về quy chế phối hợp trong quá trình tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm, điều tra, khởi tố vụ án và xét xử.

Khoản 3, điều 7 của Thông tư này có quy định về việc, trong thời gian 3 ngày kể từ ngày đủ điều kiện tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm, cơ quan công an không khởi tố vụ án, VKS tiếp nhận thông tin tố giác tội phạm, VKS đề nghị cơ quan điều tra xem xét khởi tố vụ án.

Nếu cơ quan điều tra không khởi tố vụ án, trong trường hợp này, VKS có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án căn cứ vào khoản 3, điều 153 và điều 161 Bộ luật tố tụng hình sự 2015.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn