MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nguyễn Thị Hà Thành (tại phiên toà sơ thẩm) bị cáo buộc chiếm đoạt hơn 433 tỉ đồng của 3 ngân hàng và nhiều đại gia. Ảnh: Quang Việt

Vụ siêu lừa chiếm đoạt 433 tỉ đồng: Những sổ tiết kiệm tiền tỉ bị tạm giữ

Quang Việt LDO | 18/02/2024 19:41

Trong vụ án Nguyễn Thị Hà Thành chiếm đoạt hơn 433 tỉ đồng của 3 ngân hàng, 4 cá nhân, nhiều sổ tiết kiệm mà siêu lừa này đứng tên đồng sở hữu có trị giá cả trăm tỉ bị tạm giữ.

Theo lịch xét xử, hôm 24.1, TAND Cấp cao tại Hà Nội đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án “siêu lừa” Nguyễn Thị Hà Thành chiếm đoạt hơn 433 tỉ đồng của 3 ngân hàng và 4 cá nhân, song phiên toà đã bị hoãn và chưa ấn định ngày mở.

Ngoài Nguyễn Thị Hà Thành còn có 12 bị cáo khác (trong số 26 người) có đơn kháng cáo. Phía bị hại là Ngân hàng PVCombank, NCB, VietABank cũng kháng cáo bản án sơ thẩm. Ngoài ra, còn có 5 đại gia không được tòa sơ thẩm tuyên trả lại sổ tiết kiệm hàng trăm tỉ đồng, cũng có đơn kháng cáo về phần dân sự.

Theo bản án sơ thẩm, Hà Thành cần tiền làm ăn và chi tiêu nên từ năm 2018, bị cáo tìm những người có tiền để vay với lãi suất cao. Do không có tài sản đảm bảo, Thành bàn với những người cho vay hình thức: Hoặc gửi tiền của họ vào các ngân hàng NCB, PVcomBank, VietABank dưới hình thức tiết kiệm có kỳ hạn rồi đưa sổ cho Thành sử dụng; hoặc gửi đồng sở hữu với Thành hoặc người do bị cáo chỉ định.

Những người cho vay không biết Thành sẽ sử dụng sổ tiết kiệm hay số tiền gửi đồng sở hữu như thế nào nhưng thấy phương án không rủi ro, quản lý được dòng tiền của mình khi có biến động và khi Thành không trả được tiền có thể đòi tiền gửi tại ngân hàng nên đã đồng ý.

Từ đó, Thành đã dùng sổ tiết kiệm của các cá nhân này làm tài sản đảm bảo vay tiền của 3 ngân hàng trên và chiếm đoạt.

Trong số này có các cá nhân cho Thành vay tiền hoặc đứng tên đồng sở hữu bằng hình thức trên: Vợ chồng đại gia Đặng Nghĩa Toàn; Đỗ Thị Quỳnh Anh, Vũ Đức Cường, Triệu Hùng Cường...

Với việc bị Thành chiếm đoạt tiền, các ngân hàng trên đã phong toả các sổ tiết kiệm nhóm đại gia gửi, đồng sở hữu với bị cáo.

Tòa đánh giá, bản chất việc gửi tiền vào ngân hàng của các đại gia là để ngân hàng thực hiện nghĩa vụ thay Thành, khi cô ta không trả được nợ. Do vậy, đây là hợp đồng giả cách che giấu quan hệ vay nợ giữa các đại gia và Thành. Tuy nhiên cũng có một số cá nhân đồng sở hữu với Thành được cấp sơ thẩm nhận định không phải quan hệ vay nợ.

Theo đó, với các sổ tiết kiệm, tòa cấp sơ thẩm tuyên ba ngân hàng trên được tiếp tục tạm quản lý là 122 tỉ đồng đứng tên vợ chồng đại gia Đặng Nghĩa Toàn cùng hàng chục tỉ đồng của 4 đại gia đứng tên đồng sở hữu với Thành.

Cụ thể, toà tuyên tạm giao số tiền 20 tỉ đồng trong sổ tiết kiệm đứng tên đồng sở hữu Nguyễn Giang Hoà và Thành tại VietABank cho ngân hàng này, đến khi Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội thi hành phần quyết định trách nhiệm dân sự với Hà Thành đối với ngân hàng này.

Giữ lại và tạm giao số tiền 15 tỉ đồng đứng tên Đỗ Thị Quỳnh Anh và Thành tại VietABank cho ngân hàng đến khi Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội thi hành phần quyết định trách nhiệm dân sự với Thành đối với ngân hàng này.

Giữ lại và tạm giao số tiền 30 tỉ đồng đứng tên Triệu Hùng Cường và Nguyễn Thanh Tùng (đồng phạm trong vụ án với Thành) cho VietABank đến khi Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội thi hành phần quyết định trách nhiệm dân sự với Thành đối với ngân hàng này.

Giữ lại và tạm giao số tiền 35 tỉ đồng đứng tên Triệu Hùng Cường và Tô Hồng Thức cho VietABank đến khi Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội thi hành phần quyết định trách nhiệm dân sự với Thành đối với ngân hàng này.

Một số đại gia được toà tuyên buộc VietABank trả lại tiền, không phong toả sổ tiết kiệm, với lý do số tiền họ đồng sở hữu với Thành không phải quan hệ vay nợ. VietABank có nghĩa vụ phải trả lại cho các đồng sở hữu với Hà Thành các sổ tiết kiệm trị giá hàng chục tỉ đồng, kèm lãi suất, không được phong tỏa các sổ này, phải trả nếu khách yêu cầu. Nếu ngân hàng không thực hiện, những người này có quyền khởi kiện VietABank tại vụ án dân sự khác.

Tuy nhiên, các quyết định trên có thể thay đổi hoặc giữ nguyên khi phiên toà phúc thẩm được mở.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn