MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một bức tranh đã được chị PT (TP Vinh) đính đá rất công phu nhưng vẫn bị trả lại, người nhận mất trắng tiền cọc và công. Ảnh: QĐ

Vụ “Sinh viên “méo mặt” vì dính bẫy "tranh đính đá xuất khẩu": Công an vào cuộc

QUANG ĐẠI LDO | 28/09/2017 07:27
Các “khổ chủ” bị lừa thuê làm “tranh đính đá xuất khẩu” làm đơn gửi cơ quan chức năng, và công an huyện Phù Cừ (Hưng Yên) đã vào cuộc, làm rõ.

Nguồn tin từ Công an huyện Phù Cừ (Hưng Yên), cho biết, cơ quan này đã vào cuộc, xác minh làm rõ đơn thư của một số công dân, tố cáo một số cá nhân trên địa bàn, có hành vi lừa đảo liên quan đến hoạt động thuê làm tranh đính đá xuất khẩu.

“Chúng tôi đã nhận đơn, và đang trong quá trình xử lý”, nguồn tin thông báo ngắn gọn và từ chối cung cấp thêm, vì đang trong giai đoạn ban đầu của vụ việc.

Theo một nạn nhân, sau khi gửi đơn tố cáo trường hợp lừa đảo, công an huyện Phù Cừ đã triệu tập lên làm việc, lấy lời khai và đề nghị cho biết nguyện vọng.

“Bọn em yêu cầu được hoàn trả tiền cọc và tiền công, còn xử phạt như thế nào là thẩm quyền của nhà nước”, người này cho hay.

Được biết, đối tượng bị tố lừa đảo cũng đã bị triệu tập, và cho biết là do cá nhân đứng ra tự tổ chức thuê tranh đính đá, chứ không có Công ty.

Như Lao Động đã thông tin, cách đây nhiều tháng, rộ lên dịch vụ “thuê đính đá tranh để xuất khẩu” trên FB. Theo đó, nếu bên B nhận làm gia công, bên A (bên thuê) sẽ gửi cho bức tranh, kèm theo bì đá nhỏ, phụ kiện. Việc của bên B là đính đá vào các mẫu tranh. Tiền công đính đá 300 nghìn/bức. Bên B phải gửi tiền cọc cho bên A theo số lượng tranh, mỗi bức 400 - 450 nghìn đồng, sẽ được nhận tranh và đá. Làm xong, nếu đạt yêu cầu, bên A sẽ thanh toán tiền công và trả lại tiền cọc trong vòng 5 ngày. Nếu không đạt, sau khi chỉnh sửa 1 lần, A không trả tiền công. Lần 2, bên B chịu mất trắng cả công lẫn tiền cọc.

Sau khi thỏa thuận và nhận tiền cọc với số lượng lớn, bên A lập tức liên tục “bắt lỗi” sản phẩm, yêu cầu chỉnh sửa nhiều lần, rồi trả lại tranh. Bên B trắng tay, mất tiền cọc lẫn tiền công. Thực ra, đây là một kiểu lừa đảo tinh vi: giá trị bức tranh chỉ khoảng 200 nghìn mà phải nộp tiền cọc gấp đôi; bên A cố ý “đánh hỏng” sản phẩm để phạt bên B, thu tiền cọc, ăn chênh lệch khoảng 200 nghìn/bức, quỵt tiền công.

Rất nhiều nạn nhân là sinh viên, phụ nữ có con nhỏ… đã “dính” bẫy lừa, nhiều người mất hàng chục triệu đồng. Nạn nhân nhiều người hoàn cảnh rất khó khăn, nay lâm cảnh nợ nần. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn