MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hình ảnh Y Nhiêu bị bạo hành.

Vụ tra tấn người làm thuê như thời trung cổ: Dứt khoát phải khởi tố

HOA LÊ LDO | 24/07/2018 19:30

Vừa qua, dư luận vô cùng bức xúc trước vụ việc chị Y Nhiêu bị tra tấn tàn bạo khi làm thuê tại Gia Lai. Trước sự việc này, Đại biểu Quốc hội đề nghị dứt khoát phải khởi tố, không được lấy lý do bị ngáo đá làm “bình phong” trốn tránh trước pháp luật.

Chị Y Nhiêu (SN 1995, thôn Pêng Siêl, xã Đắk Pét, huyện Đắk Glei, Kon Tum) đi làm thuê tại Gia Lai, đã bị bà Nguyễn Thị Hà (SN 1979, tên thường gọi là Nga, tạm trú tại tổ 3, phường Thống Nhất (TP.Pleiku, Gia Lai) đánh đập, tra tấn. Bà Hà dùng búa, kìm bẻ răng, ủi bàn là nóng lên người, dùng dao lam rạch mặt Y Nhiêu, sau đó vứt ra vệ đường.

Trao đổi với Lao Động, đại biểu (ĐB) Quốc hội khóa 14 Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, đây là vụ việc khiến dư luận vô cùng bức xúc. Mối quan hệ chủ - thợ là quan hệ bình đẳng. Ở đây, không phải cứ người thuê có quyền muốn xâm phạm, cưỡng bức lao động như thế nào cũng được.

Đánh giá về vụ việc tra tấn tàn bạo người lao động, ĐB Lưu Bình Nhưỡng khẳng định: “Trường hợp này đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng như vi phạm quan hệ lao động, pháp luật lao động nói chung, khai báo tạm trú tạm vắng…”

Việt Nam đã gia nhập Công ước số 29 về lao động cưỡng bức và đang nghiên cứu gia nhập Công ước xóa bỏ lao động cưỡng bức. Có thể nói, hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ là hết sức cần thiết để bảo vệ người lao động.

Ngoài ra, vụ việc này còn liên quan đến vấn đề phổ biến pháp luật đối với người dân. Đại biểu Nhưỡng cho rằng, với trường hợp Y Nhiêu, do hiểu biết còn hạn chế nên chưa biết tự vệ và chịu đựng bị đánh đập trong thời gian dài như vậy. Cho nên, cần phổ biến kiến thức pháp luật rộng rãi, để mỗi người dân nắm vững, biết được quyền lợi và tự bảo vệ chính bản thân mình.

Để xảy ra tình trạng người lao động bị bạo hành, tra tấn dã man như thời trung cổ, ĐB Nhưỡng đặt câu hỏi: “Tôi không hiểu cơ quan quản lý trên địa bàn bao gồm chính quyền, công an và cơ quan quản lý lao động trên địa bàn không biết đến sự việc. Không hiểu cơ quan chức năng quản lý địa bàn ra sao để tình trạng lao động bị đánh đập, tra tấn trong thời gian dài mà không phát hiện ra?”.

Ở đây, dư luận bức xúc về công tác quản lý công dân, khai báo tạm trú tạm vắng trên địa bàn còn hạn chế. Từ đó, phải rà soát, chấn chỉnh lại vấn đề này. Đặc biệt, sắp tới chúng ta tăng cường lực lượng công an cho cấp xã, phường, liệu có làm tốt công tác này không?, ông Nhưỡng băn khoăn.

Trước mức độ nghiêm trọng của vụ việc, ảnh hưởng sức khỏe, tinh thần của người lao động, ông Nhưỡng đề nghị: “Theo tôi, sự việc này dứt khoát phải khởi tố. Tôi cho rằng đừng lấy lý do ngáo đá làm “bình phong” trốn tránh trước pháp luật. Ở đây, cần coi ngáo đá là một trong những tình tiết tăng nặng. Nhìn từ lời khai của người này, chúng ta thấy họ nói cô Y Nhiêu lấy trộm tiền, hoặc hành vi tra tấn người khác là phải có ý thức. Lời khai trên có thể là nguy biện”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn