MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bà Nguyễn Thị Luật (phải) nói về vụ án.

Vụ “Tranh chấp chia tài sản thi hành án” tại Bắc Giang: Những bản án trái luật?

Ngọc Minh LDO | 12/09/2017 12:36
Một gia đình chính sách tại Bắc Giang có đơn kêu cứu tới Báo Lao Động về việc nơi ở duy nhất của họ, cũng là nơi thờ cúng liệt sĩ bị phát mại để trả các khoản nợ họ không vay.

Thu hồi trắng tài sản của các thành viên

Tại đơn, bà Nguyễn Thị Luật (80 tuổi) cho biết: Gia đình (bà Luật là chủ hộ từ năm 2002) có 6 người: bà, anh Mai Quang Dũng (con trai), chị Mai Thị Bắc Phương (con gái), chị Nguyễn Huấn Thị (con dâu) và 2 cháu nội. Bà có em trai là liệt sĩ Nguyễn Ngọc Tăng, hy sinh năm 1972, được bà thay mặt gia đình thờ cúng suốt 45 năm.

Theo bà, khi còn trẻ, bà và chồng (ông Mai Quang Huy) buôn bán nhỏ tại TX. Bắc Giang. Năm 1999, bà Luật đã đưa cho anh Dũng (con trai) 100 triệu đồng để mua thửa đất rộng 50m2 tại số 480I Xương Giang (số 270, tờ bản đồ 04). Do anh Dũng làm thủ tục, nên thửa đất được cấp GCN số Y915557, ghi: “hộ ông Mai Quang Dũng”.

Năm 2002, ông Huy mất, bà Luật bán căn nhà cũ, lấy 400 triệu đồng để mua thêm thửa đất 50m2 liền kề (số 271, tờ bản đồ 04). Chị Thị (con dâu) làm thủ tục, nên GCN thửa đất số Y915538 ghi: “hộ bà Nguyễn Huấn Thị”.

Năm 2003, gia đình bà xây căn nhà 5 tầng. Năm 2005, bà Luật đưa tiền cho các con mua tiếp thửa đất liền kề (GCN QSDĐ số X012009, số 268, tờ bản đồ 04). Bà Luật tiếp tục góp 170 cây vàng để xây dựng nhà như hiện nay.

Chứng cứ quan trọng bị bỏ qua

Năm 2014, anh Dũng, chị Thị kinh doanh thua lỗ, bị các chủ nợ kiện đòi nợ. Bà Luật đã yêu cầu tòa án xem xét công sức đóng góp của bà trong khối tài sản chung. Thế nhưng điều khó hiểu là, cả hai bản án (sơ thẩm số 05/2016/DS-ST ngày 11.04.2016 của TAND TP. Bắc Giang, phúc thẩm số 42/2016/DS-PT ngày 16.08.2016 của TAND TP. Bắc Giang) xác định: “Bà Luật có công sức trị giá bằng tiền là 200 triệu đồng” trong khối tài sản định giá tới 6,1 tỉ đồng?

Tới nay, căn nhà 480I Xương Giang đã bị Thi hành án Bắc Giang phát mại. Thế nhưng nơi thờ cúng liệt sĩ và quyền lợi của các thành viên còn lại không được cơ quan chức năng xem xét thỏa đáng.

Theo bà Luật, các bản án tuyên anh Dũng, chị Thị phải trả nợ thì nghĩa vụ này không liên quan đến các thành viên khác. Cho nên, việc phát mại toàn bộ nhà, đất để trả khoản nợ của anh Dũng, chị Thị là trái luật.

Các bản án nhận định: “Bà Luật không cung cấp được chứng cứ về việc bà đã đưa tiền cho anh Dũng để mua các thửa đất trên, nên không có cơ sở để xác định thửa đất số 270, 271, 268 là tài sản do các thành viên trong hộ cùng nhau tạo lập”.

Thế nhưng, nhận định này có đúng luật khi GCN nhà, đất đều ghi của “hộ gia đình” và theo BLTTDS 2004 (điểm b khoản 1 Điều 80) thì GCNQSĐ (quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã có hiệu lực pháp luật) đều được coi là chứng cứ?

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn