MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bệnh viện Ba Vì - nơi xảy ra vụ trao nhầm con và anh Phùng Giang Sơn - bố của một trong hai cháu bé Ảnh: IT.

Vụ trao nhầm con ở Hà Nội: Nên xem xét dưới góc độ tình cảm

Vân Trường LDO | 12/07/2018 12:37
Liên quan đến vụ trao nhầm con ở Hà Nội, theo Luật sư La Văn Thái, pháp luật đã có quy định xử lý buộc phải trao trả, hoán đổi con nhưng nên xem xét sự việc dưới góc độ tình cảm.

Sáng 11.7, Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế) cho biết, vừa tiếp nhận đơn kiến nghị của anh Phùng Giang Sơn (28 tuổi, ở Tây Đằng, huyện Ba Vì, TP Hà Nội) về việc Bệnh viện Đa khoa Ba Vì (Hà Nội) trao nhầm con cho gia đình anh cách đây 6 năm.

Bộ Y tế đã chuyển đơn đến Sở Y tế Hà Nội, yêu cầu xử lý nghiêm sai phạm (nếu có) của kíp trực tại Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì, nhanh chóng giải quyết để 2 đứa trẻ đoàn tụ với gia đình, báo cáo kết quả giải quyết về Vụ Sức khỏe Bà mẹ Trẻ em (Bộ Y tế) trước ngày 30.7.

Trao đổi với báo chí, đại diện Bệnh viện Ba Vì cho rằng, khó khăn hiện nay chính là chị Vũ Thị H (xã Phú Sơn, Ba Vì, Hà Nội) - người nhận nhầm con của anh Sơn chưa chuẩn bị về tâm lý. Hiện nay, chị H vẫn đang rất sốc, chưa chấp nhận sự thật là sẽ phải xa con trai đã nuôi nấng từ sơ sinh.

Liên quan đến vấn đề này, PV Báo Lao Động đã có cuộc trao đổi với Luật sư La Văn Thái - Giám đốc Cty Luật TNHH Tầm Nhìn & Thịnh Vượng, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội.

PV: Thưa Luật sư, nếu chị H – người mẹ trong vụ việc này nhất quyết không hoán đổi vị trí 2 cháu bé thì sự việc sẽ được xử lý ra sao dưới góc độ pháp lý?

Trước hết, theo tôi nên xem xét vụ việc dưới góc độ tình cảm. Do đã nuôi nấng cháu bé từ lúc sơ sinh nên có thể chị H chưa thể xa cháu trong ngày một, ngày hai. Phía gia đình anh Sơn nên tìm gặp chị H trao đổi, khuyên giải để chị H chấp nhận hoán đổi vị trí 2 cháu bé.

Pháp luật cũng đã quy định xử lý trong trường hợp không chịu hoán đổi. Nhưng nên xem xét sự việc dưới góc độ tình cảm.

PV: Đối với kíp trực gây ra vụ trao nhầm con này thì có thể bị xử lý thế nào, thưa Luật sư?

Thứ nhất, nếu việc trao nhầm trẻ là sơ suất thì bị xử lý kỷ luật hành chính tùy theo mức độ nặng nhẹ.

Nếu có chứng cứ chứng minh việc trao nhầm là cố ý thì sẽ bị xử lý hình sự về tội đánh tráo người dưới 1 tuổi theo quy định tại điều 152 BLHS 2015, sửa đổi bổ sung 2017, có khung hình phạt từ 2 năm đến 7 năm tùy tính chất phạm tội, ngoài ra còn có thể bị phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1- 5 năm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn