MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bị can Nguyễn Văn Đông.

Vụ truy sát ở Đan Phượng dưới góc nhìn của chuyên gia tội phạm học

Trần Tuấn LDO | 03/09/2019 10:30

Theo trung tá Đào Trung Hiếu - chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an, ở tuổi 53, thủ phạm vụ truy sát ở Đan Phượng đã tích lũy kinh nghiệm sống, biết được đúng - sai, thừa hiểu hành vi giết người là phạm trọng tội, nhưng y vẫn gây án. Có thể thấy một sự bế tắc trong tư duy của thủ phạm. 

Liên quan vụ án anh dùng dao thảm sát cả gia đình em trai do mâu thuẫn liên quan đến đất đai tại Đan Phượng, Công an Hà Nội đã khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Đông (53 tuổi) về hành vi Giết người.

Trung tá Đào Trung Hiếu - chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an đã có những đánh giá về động cơ và diễn biến tâm lý của hung thủ Phạm Văn Đông.

Theo Trung tá Đào Trung Hiếu, sự ức chế tâm lý do thù tức, hằn học, trong một con người có khí chất nóng nảy, hung hãn, thiếu giáo dục... đã biến thành động cơ phạm tội, thúc đẩy đối tượng Đông tìm đến bạo lực như một cách duy nhất để giải tỏa sự dồn nén cảm xúc bên trong.

"Ở tuổi 53, đối tượng đã tích lũy kinh nghiệm sống, biết được đúng - sai, thừa hiểu hành vi giết người là phạm trọng tội, nhưng y vẫn quyết định dùng biện pháp này. Có thể thấy một sự bế tắc trong tư duy của thủ phạm", chuyên gia tội phạm học phân tích.

Trung tá Hiếu nhấn mạnh thêm, sau khi vùng dao chém người đầu tiên, thì việc chém những người sau đó, như một quán tính của cơn say máu. Bên cạnh đó, biết đã gây trọng tội, đằng nào cũng chết, dễ thúc đẩy kẻ thủ ác xả cho hết nỗi bực dọc lên những người khác.

Quyết tâm thực hiện tội phạm đến cùng đã cho thấy hung thủ có sự lệch lạc nghiêm trọng về nhân cách, để bản năng dẫn dắt, cơn giận dữ sai khiến, khả năng kiểm soát và làm chủ hành vi bằng 0.

"Đã dám chém người nhà, thì việc chống trả lại lực lượng vây bắt, là điều dễ hiểu, của một kẻ không có gì để mất và đã nghĩ tới phương án tự sát", vị chuyên gia phân tích và nhận định "tại thời điểm gây án, hung thủ không suy nghĩ nhiều, cảm xúc là thứ chi phối hành động chứ không phải nhận thức".

Trung tá Hiếu cho rằng hành vi của Nguyễn Văn Đông đã đi ngược lại luân lý, gây hoang mang, căm phẫn cao độ trong dư luận xã hội. Cần xử án điểm, có hình phạt nghiêm khắc để xoa dịu nỗi đau mà cộng đồng đang phải gánh chịu.

Đồng quan điểm luật sư Quách Thành Lực (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết, trường hợp tranh chấp đất đai xảy ra giữa anh em ruột thịt không phải là ít. Và để tránh việc mâu thuẫn dẫn đến những hậu quả đau lòng thì người trong cuộc nên chọn cách đối thoại trước tiên. Nếu không đối thoại không có kết quả thì nhờ tư vấn, hỗ trợ pháp lí từ phía luật sư để giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật.

"Việc đầu tiên cần làm trong một vụ tranh chấp đất đai giữa những người ruột thịt chính là hòa giải và thương lượng. Trong trường hợp mâu thuẫn không thể thỏa thuận được thì các bên liên quan có thể nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Uỷ ban nhân dân hoặc làm đơn khởi kiện gửi Tòa án nhân dân để đơn vị có thẩm quyền phân xử".

Khoảng 7h30 sáng 1.9, tại cụm 2 xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, đối tượng Nguyễn Văn Đông (SN 1966, trú xã Hồng Hà) đã cầm dao sang truy sát cả nhà em trai ruột khi nghe tin gia đình người em vừa làm lễ khởi công xây nhà.

Hậu quả khiến ông Nguyễn Văn Hải (SN 1969, em ruột Đông) và con gái ông Hải là Nguyễn Thị Bắc (SN 1991) tử vong tại chỗ. 2 nạn nhân tiếp theo tử vong trong quá trình cấp cứu tại bệnh viện gồm bà Doãn Thị Việt (SN 1971, vợ ông Hải) và cháu Nguyễn Huyền My (cháu ông Hải) do vết thương quá nặng. Riêng chị Đỗ Thị Nhung (con dâu ông Hải) may mắn thoát chết nhưng hiện vẫn đang điều trị tại bệnh viện trong tình trạng nguy kịch

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn