MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trụ sở Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Ảnh: Anh Tú

Vụ Vạn Thịnh Phát nâng khống giá trị lô đất lên hàng nghìn tỉ để vay tiền

Việt Dũng LDO | 27/01/2024 16:35

Lô đất số 274 Nam Kỳ Khởi Nghĩa là một trong những bất động sản được nâng khống lên gấp nhiều lần giá trị thực, để các công ty “ma” dùng làm tài sản đảm bảo, vay tiền của SCB nhằm phục vụ các mục đích khác nhau của bà chủ Vạn Thịnh Phát.

Trong cáo trạng truy tố của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Lê Anh Phương - cựu Giám đốc Ngân hàng SCB - Chi nhánh Sài Gòn - bị cáo buộc hành vi “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”.

Theo cơ quan công tố, Lê Anh Phương làm việc tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần SCB cũ, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đệ Nhất từ tháng 7.2007.

Sau đó, bị can tiếp tục công tác tại Ngân hàng SCB đến ngày 14.12.2020, với nhiều vị trí, chức vụ khác nhau như: Trưởng bộ phận Phòng Kinh doanh Sở Giao dịch, Phó Trưởng phòng Kinh doanh Sở Giao dịch, Phó Trưởng phòng Hỗ trợ Kinh doanh SCB Chi nhánh Sài Gòn, Giám đốc Phòng Kinh doanh Chi nhánh Sài Gòn, Phó Giám đốc Chi nhánh Sài Gòn.

Viện Kiểm sát cáo buộc, từ ngày 24.8.2017 đến ngày 9.10.2020, Lê Anh Phương với các vai trò Phó Giám đốc SCB Chi nhánh Sài Gòn, Giám đốc SCB Chi nhánh Sài Gòn đã ký 99 tờ trình thẩm định cho vay đồng ý cho 91 khách hàng là các cá nhân, pháp nhân thuộc hệ sinh thái Tập đoàn Vạn Thịnh Phát vay 119 khoản tại SCB, với tổng dư nợ đến ngày 17.10.202 là hơn 77.934 tỉ đồng cả gốc và lãi.

Lê Anh Phương biết các khoản vay trên là hợp thức hồ sơ, giải ngân, rút tiền để nhóm Trương Mỹ Lan sử dụng. Tổng giá trị tài sản bảo đảm của các khoản vay mà bị can ký các thủ tục hợp thức là hơn 8.899 tỉ đồng.

Ngoài tham gia lập hồ sơ vay vốn khống, thực hiện chỉ đạo của Nguyễn Phương Hồng - Phó Tổng Giám đốc SCB, Lê Anh Phương đã liên hệ, trao đổi và được Đỗ Xuân Nam - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn - dịch vụ về tài sản - bất động sản DATC cấp Chứng thư thẩm định giá, nâng khống giá trị tài sản là bất động sản tại 274 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3, TPHCM và lùi ngày phát hành chứng thư.

Ngân hàng SCB sử dụng chứng thư này hợp thức cho 4 khoản vay của 4 công ty “ma” thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát có tổng dư nợ đến ngày 17.10.2022 là hơn 4.938 tỉ đồng.

Trong đó, có một khoản vay tại SCB Chi nhánh Sài Gòn (nằm trong các khoản vay mà Lê Anh Phương ký tờ trình, hợp đồng tín dụng… với vai trò Giám đốc SCB Chi nhánh Sài Gòn và 3 khoản vay tại SCB Đông Sài Gòn có tổng dư nợ đến ngày 17.10.2022 là hơn 3.615 tỉ đồng cả lãi và gốc. Trong khi tổng giá trị tài sản bảo đảm của khoản vay mà bị can tham gia hợp thức thủ tục là hơn 275 tỉ đồng.

“Hành vi của Lê Anh Phương đã giúp sức cho Trương Mỹ Lan rút tiền của SCB, gây thiệt hại cho ngân hàng số tiền 72.374.921.289.423 đồng”, cáo trạng quy kết.

Không chỉ riêng bất động sản tại 274 Nam Kỳ Khởi Nghĩa nêu trên, Dự án Mũi Đèn Đỏ, Times Square... lô đất "vàng" số 100 Hùng Vương có địa chỉ tại phường 9, quận 5, TPHCM cũng được nâng khống giá trị lên nhiều lần để thế chấp cho nhiều khoản vay lớn, rút tiền của SCB.

Theo cáo buộc, với việc lập hồ sơ khống, dùng tài sản nâng khống thế chấp nhiều khoản vay… Trương Mỹ Lan đã chiếm đoạt hơn 304.000 tỉ đồng của SCB.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn