MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Luật sư Trần Vũ Hải (thứ 2 bên trái sang) người bào chữa cho bị cáo Bùi Mạnh Quốc (Giám đốc công ty Trâm Anh) - Ảnh: GĐXH

Vụ xét xử tai biến chạy thận: Khi nào luật sư bị mời ra khỏi phòng xét xử?

Hạ Nhiên LDO | 18/05/2018 16:00

Luật sư nếu làm ảnh hưởng đến việc xét xử, ảnh hưởng đến phiên tòa thì thẩm phán chủ tọa có quyền yêu cầu cảnh sát tư pháp áp giải ra khỏi phiên tòa. 

Sáng 17.5, vì luật sư Trần Vũ Hải (bào chữa cho bị cáo Bùi Mạnh Quốc - Giám đốc Công ty TNHH Xử lý nước Trâm Anh) hỏi không tập trung vào vấn đề chính, nói “dài dòng” buộc chủ tọa phiên tòa phải yêu cầu lực lượng an ninh có mặt tại phiên xử vụ chạy thận khiến 8 người tử vong ở Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình đưa ông ra khỏi phòng xử.

Trước sự "gay gắt" của chủ tọa, ông Hải đã nhanh chóng ngồi xuống và im lặng. Tuy nhiên, chỉ vài phút sau, luật sư Lê Văn Thiệp dù đang hỏi bị cáo Bùi Mạnh Quốc đã phải tạm dừng công việc để yêu cầu Hội đồng xét xử (HĐXX) đưa ông Hải ra khỏi phòng vì cho rằng luật sư Hải gây mất trật tự.

Bình luận về điều này, luật sư Nguyễn Doãn Hùng – Đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho rằng, bất cứ ai khi đã vào phòng xét xử đều phải tuân theo sự điều hành của chủ tọa phiên tòa, luật sư cũng không phải là ngoại lệ.

Nội quy phòng xử án được quy định tại Điều 236 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, Điều 234 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Điều 153 Bộ luật Tố tụng Hành chính 2015, Quy chế tổ chức phiên tòa được ban hành kèm theo Thông tư số 02/2017 của Tòa án nhân dân tối cao về việc ban hành quy chế tổ chức phiên tòa.

Theo đó, khoản 2 Điều 3 Quy chế tổ chức phiên tòa quy định: Người vi phạm nội quy phòng xử án thì tùy từng trường hợp có thể bị Chủ tọa phiên tòa buộc rời khỏi phòng xử án hoặc khu vực xét xử, xử phạt vi phạm hành chính, tạm giữ hành chính. Trường hợp hành vi của người vi phạm nội quy phiên tòa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, Hội đồng xét xử có quyền khởi tố vụ án hình sự.

Khi được chủ tọa nhắc nhở nhiều lần, nếu luật sư không dừng lại, không tuân theo sự điều khiển của chủ tọa thì chủ tọa có quyền cắt phần xét hỏi, bào chữa của luật sư. Thậm chí, nếu luật sư có dấu hiệu, có hành vi làm mất trật tự tại phiên tòa thì có thể bị yêu cầu ra khỏi phiên tòa.

“Thẩm phán cần căn cứ vào mức độ vi phạm nội quy phiên tòa của luật sư để xem xét việc buộc rời phòng xử án, mặt khác luật sư cũng cần tuân thủ đúng nội quy, sự điều hành phiên tòa của chủ tọa để phiên xét xử diễn ra thuận lợi, nhanh chóng” – luật sư Hùng khẳng định.

Cũng theo luật sư Hùng, ngoài việc yêu cầu luật sư ra khỏi phiên tòa, thẩm phán có quyền làm văn bản đề nghị Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư nơi luật sư đăng ký hoạt động có những biện pháp nhắc nhở, kỷ luật ví dụ như: cảnh cáo, khiển trách hoặc xóa tên khỏi Đoàn LS… tương xứng với mức độ vi phạm của luật sư; bên cạnh đó, thẩm phán cũng có thể đề nghị Bộ Tư pháp thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư nếu vi phạm đến mức phải thu hồi chứng chỉ hành nghề.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn