MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các bị cáo trong vụ VN Pharma. Ảnh P.B

Vụ xử VN Pharma: Nếu xử tội buôn bán thuốc giả, mức án có thể nhẹ hơn

LS Nguyễn Kiều Hưng LDO | 31/08/2017 17:00
Sau khi tòa tuyên 12 năm tù với Nguyễn Minh Hùng (nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng GĐ Cổ phần VN Pharma) về tội danh “Buôn lậu”, nhiều ý kiến cho rằng mức án này quá nhẹ. Báo Lao Động xin đăng ý kiến của luật sư Nguyễn Kiều Hưng, điều hành Hãng Luật Giải phóng, Đoàn Luật sư TPHCM, về vấn đề này.

Theo kết luận giám định của Bộ Y tế, lô thuốc H-Capita 500mg chứa 97% hoạt chất capecitabine mà VN Pharma nhập về được xác định là thuốc không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người.

Do thời điểm Cty VN Pharma nhập thuốc H-Capita 500mg này, Luật Dược 2005 vẫn còn hiệu lực nên theo khoản 24, Điều 1, Luật Dược 2005, thì “Thuốc giả là sản phẩm được sản xuất dưới dạng thuốc với ý đồ lừa đảo, thuộc một trong những trường hợp sau đây: Không có dược chất; Có dược chất nhưng không đúng hàm lượng đã đăng ký; Có dược chất khác với dược chất ghi trên nhãn; Mạo tên, kiểu dáng công nghiệp của thuốc đã đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp của cơ sở sản xuất khác”.

Như vậy, có cơ sở pháp lý để xác định, lô thuốc H-Capita 500mg mà VN Pharma nhập về Việt Nam là giả. Do đó, hành vi này trước hết có dấu hiệu của tội “sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh” quy định tại Điều 157 BLHS. Tuy nhiên, vụ việc này cũng có dấu hiệu của tội “Buôn lậu” quy định tại Điều 153 BLHS với đặc trưng là “đưa hàng hóa trái phép qua biên giới”.

Khi một hành vi có dấu hiệu của nhiều tội, thì theo nguyên tắc áp dụng luật hình sự là phải chọn hành vi nào phản ánh đúng bản chất và tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi nhiều hơn.

Luật sư Nguyễn Kiều Hưng.

Với tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh” có mức hình phạt cao nhất là tử hình (với điều kiện hành vi phạm tội phải gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, theo quy định tại khoản 4, Điều 157 BLHS), trong khi đó, BLHS sửa đổi, bổ sung năm 2009, đã loại hình phạt tử hình ra khỏi tội “Buôn lậu”. Vì vậy, xét về tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi thì tội theo Điều 157 sẽ được ưu tiên áp dụng.

Thực tế, tại phiên tòa sơ thẩm, HĐXX đã áp dụng tội danh “Buôn lậu” để xử phạt các bị cáo. Theo tôi, nếu tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh” được áp dụng, mức án đối với các bị cáo có thể nhẹ hơn tội “Buôn lậu”. Cụ thể, với giá trị lô thuốc trên là 5 tỉ đồng, tòa đã áp dụng khoản 4, Điều 153 BLHS, có khung hình phạt là tù 12-20 năm, chung thân.

Còn với tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh”, để áp dụng khung hình phạt cao nhất có mức hình phạt tử hình (khoản 4, Điều 157 BLHS) thì phải chứng minh được có tình tiết “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”.

Tuy nhiên, thực tế VN Pharma bị ngăn chặn tung ra thị trường lô thuốc trên, nên có thể xem là chưa “gây hậu quả”. Vì thế, khung hình phạt chỉ có thể áp dụng đối với tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh” tại khoản 2, Điều 157 BLHS với tình tiết “có tổ chức”, thì khung hình phạt chỉ từ 5 - 12 năm.

Nếu HĐXX, Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh áp dụng các tình tiết giảm nhẹ, hình phạt được theo tội “sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh” chắc chắn sẽ thấp hơn 12 năm tù.

Từ những phân tích trên, có thể nhận thấy, trong vụ án VN Pharma, áp dụng tội danh nào cũng có thể dẫn đến các quan điểm gây tranh cãi. Dư luận thì luôn mong chờ một bản án nghiêm khắc hơn, nhưng pháp luật luôn được yêu cầu phải được áp dụng đúng thì mới đảm bảo tính nghiêm minh của nó.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn