MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt, trên vỉa hè, lòng đường có thể bị phạt tới 2 triệu đồng. Ảnh minh hoạ: Kiều Trang

Vứt rác sinh hoạt trên vỉa hè, lòng đường bị phạt tới 2 triệu đồng

Ái Vân LDO | 26/05/2021 19:05

Từ ngày 10.7.2021, hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt, trên vỉa hè, lòng đường hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt có thể bị phạt tiền từ 1-2 triệu đồng.

Ngày 26.5, trao đổi với PV Lao Động, Luật sư Quách Thành Lực cho biết, Nghị định 55/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 155/2016/NĐ-CP vừa được ban hành có những sự thay đổi một số quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Nghị định 55 có hiệu lực từ ngày 10.7.2021.

Theo đó, hành vi thu gom, thải rác thải sinh hoạt trái quy định về bảo vệ môi trường bị xử phạt như sau:

Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 150.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng;

Phạt tiền từ 150.000 đồng đến 250.000 đồng đối với hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng;

Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt, đổ nước thải không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng, trừ vi phạm quy định tại điểm d khoản này;

Phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng đối với hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt, trên vỉa hè, lòng đường hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt; đổ nước thải không đúng quy định trên vỉa hè, lòng đường phố.

Cũng theo luật sư Lực, hành vi vi phạm như vứt rác ra đường phố, gạt tàn thuốc lá... thường diễn ra rất nhanh, khó bị bắt gặp "quả tang". Hoặc như chính quyền địa phương nào đó tổ chức "ra quân" lập lại trật tự vệ sinh môi trường thì cũng chỉ tiến hành trong một thời gian nhất định.

"Do vậy, suy cho cùng thì biện pháp giáo dục, tuyên truyền, vận động người dân, nhất là với các cháu thiếu nhi, học sinh về ý thức giữ gìn vệ sinh ngay từ trong gia đình, đến đường phố, nơi công cộng mới là điều căn bản mang tính bền vững. Ðiều này đòi hỏi trách nhiệm cao của mỗi gia đình, các trường phổ thông, tổ chức Ðoàn Thanh niên, Ðội Thiếu niên..." - luật sư Lực nêu ý kiến.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn