MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hội thảo quốc tế “Chia sẻ kinh nghiệm và tham vấn đối với dự thảo đề cương Luật Tư pháp người chưa thành niên”. Ảnh: V.D

Xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên

Việt Dũng LDO | 31/08/2022 13:13
Hà Nội - Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, nhu cầu nghiên cứu hình thành một đạo luật cho người chưa thành niên để các em tránh mặc cảm, mở rộng đường hoàn lương... là đòi hỏi tất yếu của cuộc sống.

Ngày 31.8, TAND Tối cao tổ chức Hội thảo quốc tế “Chia sẻ kinh nghiệm và tham vấn đối với dự thảo đề cương Luật Tư pháp người chưa thành niên”.

Ông Nguyễn Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND Tối cao chủ trì hội thảo.

Tại Hội thảo, Chánh án Nguyễn Hoà Bình thông tin, Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở Châu Á, thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về Quyền trẻ em; cam kết bảo đảm các quyền cơ bản của trẻ em.

Chính vì vậy, Nhà nước Việt Nam luôn chăm lo bảo vệ và chăm sóc trẻ em, không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo vệ trẻ em, trong đó có xây dựng pháp luật về tư pháp người chưa thành niên.

Trên thực tế, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng và to lớn về chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục, bảo vệ trẻ em, bước đầu hình thành hệ thống pháp luật về tư pháp người chưa thành niên.

Tuy vậy, tổng kết thực tiễn thi hành pháp luật cho thấy còn những bất cập, hạn chế, đặc biệt là chưa có một đạo luật chuyên biệt về tư pháp người chưa thành niên.

Chánh án Nguyễn Hoà Bình nhấn mạnh: "Nhu cầu nghiên cứu hình thành một đạo luật như vậy để phù hợp với đặc điểm lứa tuổi chưa trưởng thành, có chính sách ưu đãi với người chưa thành niên, thực thi một quy trình tố tụng thân thiện để tránh tạo ra những tổn thương tiếp theo, tránh mặc cảm, mở rộng đường hoàn lương sau sai phạm trong quãng đường đời rất dài còn lại cho các em là một đòi hỏi tất yếu của cuộc sống".

Thực hiện Chương trình xây dựng pháp luật toàn khóa của Quốc hội, TAND Tối cao cơ quan được giao nhiệm vụ chủ trì dự án và biên soạn Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Dự thảo Luật đã thu hút được các quy phạm pháp luật nằm rải rác ở nhiều luật như Luật xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Thi hành án hình sự..., khắc phục được những hạn chế của pháp luật hiện hành; nội luật hóa các cam kết quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên cũng như tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của nhiều nền tư pháp khác nhau.

Quá trình xây dựng dự thảo, cơ quan chủ trì đã tổ chức nhiều hội thảo khoa học trong nước và quốc tế với sự tham gia của các nhà khoa học, các thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, luật sư và các nhà hoạt động xã hội về trẻ em. Đến nay, dự thảo cơ bản đã hình thành và tiếp tục tham vấn ý kiến chuyên gia.

Cơ quan chủ trì soạn thảo cho biết, dự thảo luật gồm 16 chương, 268 điều với nhiệm vụ thiết lập hệ thống các quy định về biện pháp xử lý và hình phạt nhất quán, rõ ràng, phù hợp với tính chất, mức độ hành vi vi phạm và nhu cầu của người chưa thành niên.

Bên cạnh đó thiết lập quy trình tiếp cận, giải quyết riêng biệt, thân thiện, nhạy cảm giới để xử lý hiệu quả các vụ việc, vụ án có người chưa thành niên tham gia tố tụng phù hợp với đặc thù, tính dễ bị tổn thương của người chưa thành niên. Quy định cũng cụ thể hóa việc giám sát, giáo dục, phục hồi tại cộng đồng có tính chất chuyên nghiệp, hiệu quả với đối tượng này.

Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) đánh giá cao sáng kiến của TAND Tối cao trong việc đề xuất dự thảo luật, thể hiện cam kết mạnh mẽ, liên tục trong việc tăng cường xử lý người chưa thành niên phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế và thông lệ tốt nhất.

Quan trọng hơn, việc xây dựng một luật tổng thể cho phép đưa ra những cải cách mang tính cơ bản để giải quyết tất cả các khía cạnh của xử lý hành chính và hình sự đối với người chưa thành niên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn