MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bị cáo Ngọc từ chối luật sư bào chữa.

Xét xử đường dây đánh bạc nghìn tỉ: "Con bạc" từ chối luật sư bào chữa

Cường Ngô LDO | 05/03/2019 11:51

Ngày đầu xét xử phúc thẩm đường dây đánh bạc nghìn tỉ, một bị cáo đã xin HĐXX cho mình được từ chối luật sư, một số bị cáo khác được HĐXX gọi lên bục khai báo, cung cấp các chứng cứ, tài liệu liên quan vụ án.

Sáng nay (5.3), TAND cấp cao tại Hà Nội chính thức mở phiên tòa xét xử phúc thẩm theo đơn kháng nghị của VKSND tỉnh Phú Thọ và kháng cáo của các bị cáo trong vụ án đánh bạc nghìn tỉ liên quan hai cựu tướng ngành công an.

Địa điểm diễn ra phiên phúc thẩm vụ án tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ. Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm, có 83 bị cáo tham gia phiên tòa theo kháng nghị của Viện Kiểm sát và kháng cáo của các bị cáo.

Sau khi hoàn tất thủ tục kiểm tra căn cước đối với các bị cáo, thẩm phán, chủ tọa phiên tòa Nguyễn Vinh Quang hỏi các bị cáo có ai từ chối luật sư không? Ngay lập tức, bị cáo Nguyễn Văn Ngọc giơ tay, xin HĐXX cho mình được từ chối luật sư Trần Văn Long. Nam bị cáo không tiết lộ lý do từ chối luật sư bào chữa.

Bị cáo Ngọc từ chối luật sư bào chữa.

Tiếp tục, các bị cáo được HĐXX gọi lên bục khai báo, cung cấp các chứng cứ, tài liệu liên quan vụ án, mà trước đó, phiên sơ thẩm các bị cáo chưa cung cấp.

Theo đó, các bị cáo Lê Anh Tú, Vũ Văn Dũng, Hoàng Thị Mai Phương bổ sung thêm tài liệu gia đình có công với cách mạng. Bị cáo Dũng và Phương còn bổ sung thêm bệnh án hiểm nghèo của người thân 2 bị cáo.

Bị cáo Nguyễn Quốc Tuấn cung cấp thêm bệnh án của mình và đơn xin rút lại kháng cáo; bị cáo Lê Thị Lan Thanh cung cấp giấy xác nhận của cơ quan An ninh điều tra; bị cáo Hà Văn Thắng cung cấp chứng từ nộp phạt, khắc phục hậu quả số tiền 50 triệu đồng; bị cáo Vũ Mạnh Hùng bổ sung thêm chứng từ nộp phạt 30 triệu đồng và giấy tờ chứng minh đã vận động, thuyết phục một “con bạc” ra đầu thú; bị cáo Nguyễn Thành Đạt nộp đơn trình bày hoàn cảnh gia đình, vợ bị cáo sắp sinh; bị cáo Lê Anh Dũng bổ sung giấy tờ đã vận động một đối tượng đang bị truy nã ra đầu thú và chứng từ nộp phạt, khắc phục hậu quả.

Các bị cáo tại tòa.

Tại phiên tòa, đại diện VKSND tỉnh Phú Thọ có quan điểm, đối với 22 bị cáo có đơn xin xét xử vắng mặt, trong đó có hai "ông trùm" Phan Sào Nam, Nguyễn Văn Dương, VKS cho rằng đó là quyền của các bị cáo. Tuy nhiên, trong quá trình xét xử nếu có những tình tiết phát sinh, vẫn có thể triệu tập những bị cáo này.

Sau nhiều ngày xét xử và nghị án kéo dài, ngày 30.11.2018, HĐXX TAND tỉnh Phú Thọ đã tiến hành tuyên án đối với 92 bị cáo về các tội danh “Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”; “Tổ chức đánh bạc”; “Đánh bạc”; “Mua bán trái phép hóa đơn”; “Rửa tiền”; “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Sau đó, VKSND tỉnh Phú Thọ đã có kháng nghị đối với bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ tuyên án đối với 92 bị cáo trong vụ đánh bạc gần chục nghìn tỉ.

VKSND tỉnh Phú Thọ kháng nghị, đề nghị TAND cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm vụ án đối với 3 nội dung:

Thứ nhất, phần áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “Phạm tội có tổ chức” đối với 27 bị cáo phạm tội “Đánh bạc” thuộc diện từ đại lý cấp 1 trở lên.

Thứ hai, phần nội dung không cho 36 bị cáo “Tự nguyện khắc phục hậu quả” được hưởng là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2009, mà chỉ áp dụng cho được hưởng tình tiết giảm nhẹ này theo quy định tại khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2009.

Thứ ba, là phần áp dụng tịch thu tiền sử dụng vào đánh bạc của 43 bị cáo phạm tội đánh bạc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn