MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bị cáo Dương Thị Bạch Diệp được cảnh sát hỗ trợ tư pháp đưa ra xe sau khi tòa tuyên trả hồ sơ vụ án. Ảnh: Anh Tú

Xét xử Dương Thị Bạch Diệp: Trả hồ sơ để điều tra bổ sung

Hữu Huy - Anh Tú LDO | 26/03/2021 16:11

Do còn nhiều vấn đề cần phải làm rõ, hội đồng xét xử (HĐXX) quyết định trả hồ sơ vụ án "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” liên quan đến nữ đại gia Dương Thị Bạch Diệp cho Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) Tối cao điều tra bổ sung.

Chiều 26.3, Tòa án Nhân dân (TAND) TPHCM tiếp tục phiên xét xử vụ án sai phạm trong việc hoán đổi nhà đất 57 Cao Thắng lấy tài sản 185 Hai Bà Trưng (quận 3) gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 186 tỉ đồng.

Bắt đầu phiên xét xử, chủ tọa phiên tòa đã tuyên trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung.

Theo đó, Hội đồng xét xử (HĐXX) đề nghị điều tra bổ sung, làm rõ 8 nội dung do xuất hiện thêm nhiều tài liệu và tình tiết mới tại toà.

Đơn cử, như Hợp đồng thế chấp tại Phòng Công chứng số 1 được lập vào ngày 31.12.2008 nhưng trên hệ thống master thể hiện là năm 2009.

Chủ tọa phiên tòa tuyên trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung. Ảnh: Anh Tú

Ngoài ra, HĐXX cũng đã triệu tập những người tham gia phê duyệt, ký tờ trình cấp chủ quyền nhà 57 Cao Thắng vẫn còn nhiều điều chưa rõ nên phải cần làm rõ.

Vấn đề Công ty Diệp Bạch Dương cho Công ty Phan Thành thuê tài sản số 185 Hai Bà Trưng dựa trên thỏa thuận hợp đồng 3 bên là Agribank TPHCM - Công ty Diệp Bạch Dương - Công ty Phan Thành… còn nhiều vấn đề cần phải làm rõ.

Bên cạnh đó, với tài sản 57 Cao Thắng, bị cáo Diệp không thừa nhận thế chấp ngân hàng, Giấy chứng nhận do Ngân hàng Agribank giữ nhưng tại sao bị cáo Diệp lại có thể đem ra ngoài công chứng? Bị cáo Diệp không tin những tài liệu hồ sơ vụ án là thật, mà cho rằng là giả. Do có một số tình tiết nảy sinh mới nên HĐXX trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

HĐXX cũng đề nghị Cơ quan điều tra Bộ Công an giám định lại chữ ký của bị cáo Diệp trong các hồ sơ.

Bị cáo Dương Thị Bạch Diệp tại tòa. Ảnh: Anh Tú

Trước đó, cuối phiên xét xử buổi sáng qua (25.3), HĐXX đã quyết định tạm dừng phiên tòa để các luật sư, các bên có quyền lợi nghĩa vụ liên quan bổ sung thêm các luận cứ bào chữa, tài liệu liên quan đến vụ án, để HĐXX có thời gian nghiên cứu, xem xét các tài liệu mà luật sư đã cung cấp.

Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, vào năm 2007, Trung tâm Ca nhạc nhẹ có trụ sở tại số 185 Hai Bà Trưng, quận 3, TPHCM xuống cấp. Để hợp tác đầu tư và nâng cấp trụ sở, đơn vị này đã liên hệ với Công ty Diệp Bạch Dương do bà Dương Thị Bạch Diệp là đại diện pháp luật.

Sau đó, Dương Thị Bạch Diệp đã đề nghị xây dựng trụ sở mới cho Trung tâm Ca nhạc nhẹ tại khu đất số 57 Cao Thắng (quận 3). Đổi lại, mặt bằng số 185 Hai Bà Trưng của trung tâm này sẽ được nhượng lại cho Công ty Diệp Bạch Dương để hợp khối với số 179-181-183 Hai Bà Trưng, phục vụ nhu cầu xây dựng khách sạn 5 sao. Đề nghị này được phía Trung tâm Ca nhạc nhẹ chấp thuận.

Đến tháng 2.2008, bà Dương Thị Bạch Diệp làm đơn gửi UBND TPHCM xin hoán đổi 2 khu đất trên. Tuy nhiên, đề nghị này đã không được lãnh đạo thành phố chấp nhận.

Trong thời gian chờ thỏa thuận hoán đổi, bà Diệp đã làm thủ tục thế chấp khu đất 57 Cao Thắng cho Ngân hàng Agribank chi nhánh TPHCM để vay gần 22.000 lượng vàng. Việc thế chấp này đã không được thông báo cho Trung tâm Ca nhạc nhẹ.

Tháng 3.2010, bà Dương Thị Bạch Diệp đến gặp Nguyễn Thành Tài (thời điểm đó là Phó Chủ tịch UBND TPHCM) để trao đổi và đề nghị UBND TPHCM chấp thuận việc hoán đổi nêu trên.

Ngày 5.3.2010, Nguyễn Thành Tài đã ký văn bản về việc chấp thuận cho hoán đổi 2 tài sản nhà đất 185 Hai Bà Trưng và 57 Cao Thắng.

Bị cáo Nguyễn Thành Tài tại phiên tòa. Ảnh: Anh Tú

Sau khi được phép hoán đổi tài sản nhà đất, Dương Thị Bạch Diệp được cấp giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng và sở hữu tài sản tại khu đất 185 Hai Bà Trưng.

Tuy nhiên, nữ đại gia này không trả nợ cũ mà tiếp tục mang quyền sở hữu tài sản tại khu đất 185 Hai Bà Trưng đến thế chấp tại Ngân hàng Phương Nam (nay là Sacombank), đến nay không còn khả năng trả nợ.

Trong vụ án này, bị cáo Dương Thị Bạch Diệp - Giám đốc Công ty Diệp Bạch Dương - bị đề nghị mức án tù chung thân vì tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Bên cạnh đó, cùng với tội danh “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, các bị cáo Nguyễn Thành Tài (cựu Phó Chủ tịch thường trực UBND TPHCM) bị đề nghị mức án từ 5-6 năm tù.

Bị cáo Trần Nam Trang - cựu Phó Giám đốc Sở Tài chính TPHCM: 3 năm tù hưởng án treo; bị cáo Vy Nhật Tảo - cựu Giám đốc Trung tâm Ca nhạc nhẹ TPHCM: 5-6 năm tù; bị cáo Nguyễn Thành Rum - cựu Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TPHCM: 4-5 năm tù; bị cáo Lê Tôn Thanh - cựu Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TPHCM: 3 năm tù hưởng án treo; bị cáo Lê Văn Thanh, Huỳnh Kim Phát, cùng là cựu Phó Chánh Văn phòng UBND TPHCM: 3-4 năm tù; bị cáo Đào Anh Kiệt - cựu Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM: 4-5 năm tù; bị cáo Nguyễn Thanh Nhàn - cựu Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP: 5-6 năm tù.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn