MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Xét xử phúc thẩm Vinasun kiện Grab: Tranh cãi thiệt hại, mô hình kinh doanh

Đình Trường - Anh Tú LDO | 10/03/2020 15:11

Tại phiên toà phúc thẩm vụ Công ty Vinasun kiện công ty Grab, những tranh cãi "nảy lửa" vẫn diễn ra xung quanh bản chất mô hình kinh doanh của Grab, những thiệt hại mà Vinasun phải chịu khi cho rằng đã bị Grab cạnh tranh không lành mạnh.  

Tại phiên toà, trả lời chủ toạ Huỳnh Thanh Duyên, ông Trương Đình Quý - Phó Tổng Giám đốc Vinsun khẳng định, toàn bộ số tiền thiệt hại 41,2 tỉ đồng bị gây ra bởi Grab chứ không có thêm yếu tố nào khác. 

Theo ông Quý, nếu Grab được phép kinh doanh cùng ngành nghề vận tải với Vinasun thì có thể nói sụt giảm của Vinasun do các yếu tố khác. Trong khi ở đây hoàn toàn do hành vi trái pháp luật của Grab.

"Nếu không có hoạt động của họ như thực hiện các cuốc xe giá rẻ, cuốc xe 0 đồng, các khoản thưởng, giảm giá vô tội vạ... thì sẽ không có sự dịch chuyển ồ ạt số lương khách hàng từ Vinasun sang Grab cũng như số lượng xe của Vinasun phải nằm bãi".

Ông Trương Đình Quý - Phó Tổng Giám đốc Cty Vinasun

Chủ toạ phiên toà hỏi liệu có phải do Vinasun quản lý kém, do chất lượng xe phục vụ không tốt và các yếu tố khác ảnh hưởng đến thị phần hay không?

Ông Trương Đình Quý phản bác điều này và cho biết: "Chúng tôi đã áp dụng phương pháp quản trị tiên tiến, nên các yếu tố khác không ảnh hưởng đến thiệt hại. Xuyên suốt phiên toà sơ thẩm, dựa trên báo cáo của công ty giám định và như chúng tôi đã phân tích rất rõ, cùng với số lượng đầu xe gia tăng của Grab và chương trình khuyến mại của họ trong từng thời điểm, sự sụt giảm đầu xe và doanh thu của Vinasun là tương ứng".

Đại diện bị đơn trả lời luật sư.

Trong khi đó, đại diện Grab khẳng định toàn bộ hoạt động của đơn vị này đều tuân thủ theo Đề án 24, doanh nghiệp này chỉ là bên cung cấp phần mềm.  

Bà Nguyễn Thái Hải Vân - Giám đốc điều hành Grab tại Việt Nam cho biết: "Grab cung cấp phần mềm hỗ trợ kết nối giữa các tài xế, được hợp tác xã uỷ quyền với hành khách"

Luật sư đại diện quyền lợi  của Grab nêu quan điểm

Trả lời câu hỏi về tỉ lệ chiết khấu doanh thu, bà Vân cho hay: "Tỉ lệ chiết khấu theo từng hợp đồng hợp tác kinh doanh ký với hợp tác xã. Tỷ lệ này thay đổi từ 20 - 25% gồm 2 phần chi phí quản lý của Grab và giữ lại phần thuế thu nhập của tài xế. 75-80% còn lại sẽ chuyển cho tài xế hoặc hợp tác xã tùy theo hợp đồng hợp tác kinh doanh".

Trả lời câu hỏi của chủ toạ về việc phần mềm kết nối thì ai là người điều xe, Grab cho rằng phần mềm sẽ tự đưa ra gợi ý đang có khách ở đâu, cước phí ra sao..., chọn hay không tùy thuộc vào quyết định của tài xế. "Không có người điều xe trong hoạt động này, hoàn toàn do phần mềm". 

Bà Nguyễn Thái Hải Vân - Giám đốc điều hành Grab tại Việt Nam.

Đối với việc trả tiền cho cuốc xe, Grab trình bày nếu khách đi thanh toán thẻ thì hợp tác xã ủy quyền cho Grab thu hộ cước phí, Grab giữ lại chi phí chia sẻ ứng dụng rồi chuyển lại cho hợp tác xã hoặc tài xế.

Lý giải về các cuốc xe 0 đồng, ai sẽ là người chi trả, đại diện Grab khẳng định Grab sẽ chi trả các cuốc xe này và coi đó như chi phí quảng bá thương hiệu.

Chiều 10.3, phiên toà tiếp tục với phần tranh luận. 

Theo nội dung vụ án, Vinasun cho rằng Grab đã lợi dụng việc Bộ Giao thông Vận tải ban hành Quyết định 24 (ngày 7.1.2016) về Kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng để thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh vận tải taxi gây náo loạn thị trường. 

Vinasun cho rằng mặc dù Grab nhận là công ty cung ứng phần mềm nhưng thực chất đang hoạt động như một doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi. Việc này đã dẫn tới cạnh tranh không lành mạnh, gây thiệt hại cho Vinasun.

Vì vậy, Vinasun khởi kiện Grab đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng với khoản lợi nhuận bị giảm sút hơn 41,2 tỉ đồng trong năm 2016 và nửa đầu năm 2017.

Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 28.12.2018, Toà án Nhân dân TPHCM cho rằng Grab kinh doanh taxi, vi phạm Nghị định 86 và Quyết định 24, gây ra thiệt hại cho Vinasun. Toà buộc Grab bồi thường cho Vinasun số tiền 4,8 tỉ đồng. Tuy nhiên cả hai bên nguyên đơn và bị đơn đều có kháng cáo về bản án sơ thẩm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn