MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hai bị cáo Lẫm - Quyết (chủ Công ty Lâm Quyết) tại phiên xét xử sáng nay. Ảnh: T.D

Xét xử vợ chồng giám đốc Công ty Lâm Quyết: Đề nghị thay đổi thẩm phán, chủ toạ phiên toà

TRUNG DU LDO | 10/12/2021 11:25

Thái Bình - Sáng nay, 10.12, Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình mở phiên tòa hình sự sơ thẩm lần 2, xét xử lại vụ án "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" đối với 2 bị cáo là vợ chồng giám đốc Công ty Lâm Quyết từng bị Đường "Nhuệ" dọa giết, siết nợ.

Hai bị cáo bị đưa ra xét xử công khai gồm Nguyễn Văn Lẫm (59 tuổi, trú TP.Thái Bình) - Giám đốc Công ty TNHH Lâm Quyết và bị cáo còn lại là Phạm Thị Quyết (55 tuổi, vợ Lẫm).

Trước đó, ngày 1.12, do có 1 bị cáo là F1 (có quyết định thực hiện cách ly tại nơi cư trú của Chủ tịch UBND phường Trần Lãm, TP.Thái Bình) nên phiên tòa phải hoãn xét xử so với kế hoạch dự kiến và dời lại vào ngày hôm nay.

Hội đồng xét xử - Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình. Ảnh chụp qua màn hình: T.D 

Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa hôm nay là bà Nguyễn Thị Phương Thảo. So với quyết định đưa vụ án ra xét xử trước đó, Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình tống đạt cho các bị cáo, đã có sự thay đổi 1 thẩm phán và 2 hội thẩm nhân dân do lý do bất khả kháng.

Có 11 luật sư đăng ký tham gia bào chữa cho 2 bị cáo, tại phiên tòa hôm nay 8 luật sư có mặt, 3 luật sư vắng mặt.

Nguyễn Xuân Đường (tức Đường "Nhuệ) và Bùi Mạnh Tiến (tức Tiến "trắng") hiện đang bị tạm giam tại các trại giam giữ cũng được tòa triệu tập với tư cách người làm chứng trong vụ án. Tuy vậy, Đường "Nhuệ" có đơn xin vắng mặt do lý do sức khỏe kém, chỉ có Tiến "trắng" có mặt tại phiên tòa.

Hai bị hại trong vụ án là ông Đỗ Văn Tới và bà Phạm Thị Tuyết (cùng trú TP.Thái Bình) đều có mặt. Ngoài ra, một số người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, người làm chứng khác được tòa án triệu tập vắng mặt.
 Hai bị hại trong vụ án. Ảnh: T.D

Vì lý do đảm bảo công tác phòng, chống dịch, phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí tác nghiệp tại phiên tòa được bố trí ngồi riêng tại phòng dành cho báo chí, theo dõi quá trình xét xử qua màn hình được truyền trực tiếp từ phòng xét xử.

Trong phần thủ tục mở đầu phiên xét xử, 2 bị cáo và luật sư Trần Hồng Lĩnh đều kiến nghị hội đồng xét xử hoãn phiên tòa, trả hồ sơ vụ án.

Đặc biệt, những người này đề nghị thay đổi thẩm phán, chủ tọa phiên tòa và 1 kiểm sát viên giữ quyền công tố tại tòa vì "không đảm bảo khách quan, công tâm"; trong trường hợp vẫn xét xử, các bị cáo yêu cầu tòa triệu tập thêm 1 số điều tra viên, kiểm sát viên, lãnh đạo Công an TP.Thái Bình và một số người có quyền, nghĩa vụ liên quan vắng mặt hôm nay.

Sau khi lắng nghe ý kiến, kiến nghị của những người liên quan, Hội đồng xét xử - Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình tiến hành hội ý, ra quyết định hoãn phiên tòa, ấn định thời gian xét xử lại vào ngày 28.12. Lý do bởi sự vắng mặt của 2 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là vợ chồng ông Phạm Công Tự (trú TP.Thái Bình) có thể ảnh hưởng đến nội dung, bản chất vụ án.

Trước đó, như Lao Động đã đưa tin, ngày 12.4.2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP.Thái Bình đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Lẫm và Phạm Thị Quyết về hành vi "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" quy định tại điều 175 Bộ luật Hình sự. 

Đến ngày 21.5.2018, Viện Kiểm sát nhân dân TP.Thái Bình ra quyết định chuyển vụ án để Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Thái Bình điều tra theo thẩm quyền.

Tiếp đó, ngày 12.6.2019, Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm lần 1 và hai bị cáo Lẫm, Quyết bị tuyên phạt tổng cộng 27 năm tù giam về tội "Lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản".

Đến ngày 11.5.2020, tức khoảng gần 1 tháng sau khi băng nhóm xã hội đen tại Thái Bình do Nguyễn Xuân Đường (tức Đường "Nhuệ") cầm đầu bị triệt phá, tại phiên xét xử phúc thẩm tổ chức tại Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã tuyên hủy bản án sơ thẩm, kiến nghị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình trả hồ sơ, yêu cầu điều tra lại toàn bộ vụ án. 

Bị can Lẫm và Quyết đồng thời cũng được Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội áp dụng thay đổi biện pháp ngăn chặn từ tạm giam thành bảo lãnh, cấm đi khỏi nơi cư trú sau gần 2 năm bị tạm giam.

Đến ngày 27.5.2020, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình ra quyết định trả hồ sơ để Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Thái Bình điều tra lại vụ án theo thẩm quyền.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn