MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nguyễn Văn Dương tại tòa sáng ngày 19.11. Ảnh Cao Nguyên

Xét xử vụ đánh bạc trực tuyến nghìn tỉ: CNC trở thành công ty bình phong của C50 như thế nào?

CAO NGUYÊN - NGÔ CƯỜNG LDO | 19/11/2018 12:08

Bị cáo Nguyễn Văn Dương khai, lập công ty CNC với mục đích chính là hoạt động kinh tế, nghiệp vụ. Trước đó, Dương không có ý định lập công ty này. Dương khẳng định ông Hóa là người đại diện C50 ký hợp tác với CNC.

Ngày 19.11, lần đầu tiên bị cáo Nguyễn Văn Dương (cựu Chủ tịch Công ty CNC) được thẩm vấn liên quan đến 2 tội danh "Tổ chức đánh bạc" và "Rửa tiền" trong vụ án đánh bạc nghìn tỉ trên mạng internet.

Cựu Chủ tịch Công ty CNC đeo kính, mặc áo khoác, hai tay đan chéo nhau. Trước các câu hỏi của chủ tọa, người bị cáo buộc Tổ chức đánh bạc và Rửa tiền trả lời rất chậm rãi, thỉnh thoảng có đứt đoạn.

Mở đầu, HĐXX hỏi: Với bản án truy tố về tội danh “Tổ chức đánh bạc” và “Rửa tiền” của Viện kiểm sát, bị cáo thấy đúng không?.

Không trả lời trực tiếp của câu hỏi, bị cáo Nguyễn Văn Dương cho rằng sau khi nhận được bản cáo trạng truy tố của VKSND tỉnh Phú Thọ, bị cáo tôn trọng bản cáo trạng đã truy tố bị cáo về hai tội danh.

Tuy nhiên, HĐXX nhấn mạnh nhiều lần rằng đang hỏi bị cáo có thấy cáo trạng truy tố mình đúng hay không, chứ không phải vấn đề tôn trọng. Lúc này, Nguyễn Văn Dương xác nhận là đúng.

Bị cáo Dương khai quen biết Phan Sào Nam từ năm 2015 qua mối quan hệ người khác giới thiệu. Tại phiên tòa trước, sau khi bị cách ly, bị cáo đã được HĐXX tóm tắt nội dung thì tôn trọng lời khai của Phan Sào Nam, không bổ sung gì.

Ai là người giới thiệu cho bị cáo thành lập công ty CNC để hợp tác với C50, chủ tọa phiên tòa Nguyễn Thị Thùy Hương đặt câu hỏi.

“Về quá trình thành lập, bị cáo đã trình bày trong các lời khai với CQĐT. Khi đó bị cáo đang làm một doanh nghiệp về đầu tư. Qua một số lần trao đổi, ông Hóa có nói rằng hiện C50 phải có công ty bình phong để hoạt động nghiệp vụ. Có một lần, tôi và ông Hóa lên báo cáo với ông Phạm Quý Ngọ (nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, đã mất - PV) và bị cáo được giới thiệu phụ trách công ty”, bị cáo Dương trả lời.

Bị cáo Dương khai, lập công ty CNC với mục đích chính là hoạt động kinh tế, nghiệp vụ. Trước đó, Dương không có ý định lập công ty này. Dương khai, vì thời gian lâu, tạm giam cũng lâu nên không nhớ rõ hết nội dung hợp tác giữa CNC và C50, chỉ nhớ là hoạt động kinh tế thông thương, hoạt động hóa trang trinh sát đấu tranh phòng chống tội phạm công nghệ cao.

Dương khẳng định ông Hóa là người đại diện C50 ký hợp tác với CNC. Theo Dương, C50 có 20% vốn ở CNC. Sau khi hợp tác, ông Hóa cho rằng việc góp vốn không đảm bảo thỏa thuận hợp tác nên không góp vốn, dù Dương và ông Hóa không có mâu thuẫn.

Nguyễn Văn Dương nói không nhớ hết về đóng góp của doanh nghiệp này với C50, song công ty đã nỗ lực tham gia vào các hoạt động trinh sát tìm hiểu, nắm bắt tình hình tội phạm, đặc biệt tội phạm công nghệ cao. Điều này thể hiện qua nhiều báo cáo cũng đã có trong hồ sơ vụ án.

"Ai là người phía Bộ Công an có chức năng giám sát CNC?", chủ tọa hỏi. Dương khẳng định là ông Nguyễn Thanh Hóa. Trong thời gian hoạt động từ 2011 đến 2015, Dương nói hàng tháng, quý, năm CNC đều báo cáo với C50. C50 cũng thỉnh thoảng cử người xuống kiểm tra. Trụ sở của CNC thời gian đầu phải thuê bên ngoài, sau năm 2012 thuê trụ sở số 10 Hồ Giám, địa điểm thuộc quản lý của Tổng cục Cảnh sát. Đầu 2015, CNC mới chính thức là công ty nghiệp vụ của C50 theo quyết định của Tổng cục Cảnh sát.

Tại trụ sở này, bị cáo treo biển tên bị cáo Hóa không? Chủ tọa đặt câu hỏi. Bị cáo Nguyễn Văn Dương nói, ban đầu, ông Hóa nói cần một tầng để sử dụng cho cán bộ của Cục. Sau đó để đảm bảo công tác nghiệp vụ thì không sử dụng. Công ty sử dụng toàn bộ tầng 1,2,3 và 5. Biển tên của ông Hóa được treo tại phòng làm việc ở tầng hai, nhưng chỉ treo trong một thời gian ngắn, khoảng 1 tháng.

Chủ tọa hỏi tiếp, đến thời gian nào thì CNC có quyết định chính thức là công ty nghiệp vụ của Bộ Công an? “Khoảng đầu năm 2015”, Dương trả lời khá rõ ràng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn