MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Quang cảnh phiên tòa. Ảnh: P.B

Xét xử vụ Mía đường Tây Ninh: Chủ tọa nhờ thư ký công bố lời khai các bị cáo, có đúng quy định?

Phùng Bắc LDO | 27/04/2017 19:27
Hôm nay (27.4), phiên tòa xét xử vụ án Cty TNHH MTV Mía đường Tây Ninh bước vào ngày thứ ba xét hỏi, tuy nhiên, chủ tọa phiên tòa Mai Văn Triến đã nhờ thư ký tòa công bố lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra.  Trong khi, Điều 208 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định, việc công bố lời khai chỉ có Hội đồng xét xử (HĐXX) và Viện Kiểm sát (VKS), chứ thư ký tòa không được công bố lời khai của bị cáo… 

Chủ tọa “nhờ” thư ký công bố lời khai

Việc chủ tọa phiên tòa cho công bố các bản cung, lời khai của các bị cáo tại cơ quan CSĐT chiếm nhiều thời gian phiên tòa. Từ chiều hôm qua (26.4) đến sáng hôm nay (27.4), Chủ tọa phiên tòa Mai Văn Triến đã liên tục công bố các lời khai của bị cáo Trần Cảnh Lạc (nguyên Tổng giám đốc Cty Mía đường Tây Ninh) và Trần Xuân Danh (nguyên Trưởng phòng kinh doanh), nhưng bất ngờ chiều nay, chủ tọa bỗng nhiên… nhờ thư ký tòa công bố các lời khai của bị cáo Nguyễn Thị Phúc (nguyên Kế toán trưởng).

Chủ tọa cho rằng, có ý kiến, theo Điều 208 thì HĐXX phải trực tiếp công bố lời khai của bị cáo, tuy nhiên do vấn đề sức khỏe nên HĐXX đã nhờ thư ký công bố thay. Nói đến đây, chủ tọa mời bị cáo Phúc cho biết ý kiến có yêu cầu HĐXX công bố lại lời khai của bị cáo Phúc không? Bị cáo Phúc nói không. Chủ tọa mời luật sư Kiều Vũ Thụy Uyên (Đoàn luật sư TP.HCM, Cty Luật Diên Hồng, bào chữa cho bị cáo Phúc) có ý kiến về việc này. Luật sư Uyên cho rằng: “Theo quy định pháp luật, việc công bố lời khai bị cáo thuộc thẩm quyền của HĐXX, trường hợp này HĐXX đã nhờ thư ký tòa làm thay thì HĐXX sẽ chịu trách nhiệm về các nội dung mà thư ký đã công bố, nên luật sư không có ý kiến yêu cầu công bố lại”.

Trong khi đó, Điều 185 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định thành phần HĐXX sơ thẩm bao gồm thẩm phán và hội thẩm nhân dân, Điều 208 quy định việc công bố lời khai thì chỉ có HĐXX và VKS. Không biết vì  lý do gì mà Chủ tọa Mai Văn Triến đã nhờ thư ký tòa công bố lời khai, trong khi đó, 2 vị hội thẩm nhân dân vẫn ngồi hai bên ông chủ tọa(!?). Điều 41 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định nhiệm vụ, quyền hạn của thư ký tòa là phổ biến nội quy phiên tòa, báo cáo với HĐXX danh sách những người được triệu tập đến phiên tòa, ghi biên bản phiên tòa, tiến hành các hoạt động tố tụng khác thuộc thẩm quyền của tòa án theo sự phân công của chánh án.

Như vậy, thư ký tòa không được quyền công bố lời khai.

Viện kiểm sát đề nghị án…

Chiều nay (27.4), vị đại diện Viện KSND tỉnh Tây Ninh giữ quyền công tố tại phiên tòa đề nghị  mức án đối với bị cáo Lạc từ 10 – 12 năm tù, bị cáo Danh từ 8 – 10 năm tù và bị cáo Phúc 5 – 6 năm tù, cùng về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Về số tiền 3 bị cáo phải chịu trách nhiệm, VKS đề nghị 3 bị cáo chịu trách nhiệm liên đới bồi thường 44 tỉ đồng, bị cáo Lạc và Danh chịu trách nhiệm liên đới bồi thường 25 tỉ đồng.

Phiên tòa bước vào phần tranh luận và tiếp tục vào ngày mai (28.4).    

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn