MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cơ quan chức năng khám nhà bà Phạm Thị Hằng (tối 16.7.2021). Ảnh: T.T

Xét xử vụ vi phạm đấu thầu tại Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa

Xuân Hùng LDO | 20/07/2023 08:57

Sáng nay (20.7), Tòa án Nhân dân tỉnh Thanh Hóa sẽ đưa vụ án nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Thanh Hóa và nhiều thuộc cấp bị bắt vì tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" ra xét xử.

Trước đó, cơ quan chức năng đã bắt bà Phạm Thị Hằng - nguyên Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Thanh Hóa và 11 bị can khác về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" theo Khoản 3, Điều 222, Bộ luật Hình sự.

11 bị can khác bị cáo buộc đồng phạm với bà Hằng, gồm: Trịnh Hữu Nghĩa - nguyên Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính Sở GDĐT, Nguyễn Văn Phụng - nguyên Phó Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Lê Văn Cương - nguyên Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính (thời điểm trước ông Nghĩa), Bùi Trí Thức - chuyên viên Phòng Kế hoạch - Tài chính; Đặng Xuân Minh - Chủ tịch, Tổng Giám đốc Công ty Thẩm định giá BTC VALUE; Nguyễn Quốc Việt - thẩm định viên Công ty BTC VALUE, Lê Thế Sơn - Giám đốc Công ty CP Sách và Thiết bị trường học Thanh Hóa, Vũ Thị Ninh - Kế toán trưởng công ty sách và Hồ Thị Sáu - nhân viên Công ty BTC VALUE...

Theo cáo trạng, đầu tháng 9.2019, khi biết Sở GDĐT Thanh Hóa có chủ trương tổ chức đấu thầu mua đồ dùng dạy học lớp 1 cho các trường tiểu học vùng đặc biệt khó khăn, sau đó là gói thầu số 2 cho các trường tiểu học khác, bị can Lê Thế Sơn gặp bà Hằng xin được tạo điều kiện để trúng thầu.

Sau đó, bà Hằng chỉ đạo ông Lê Văn Cương, Nguyễn Văn Phụng tạo điều kiện cho công ty của ông Sơn tham gia và trúng thầu.

Bà Hằng bị cáo buộc có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn, can thiệp trái phép vào hoạt động đấu thầu, chỉ đạo cấp dưới tạo điều kiện cho doanh nghiệp trúng thầu.

Cơ quan công tố cáo buộc, hành vi của bị can Hằng vi phạm quy định tại Điều 89 Luật Đấu thầu 2013, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước hơn 20,8 tỉ đồng. Bản thân bà Hằng hưởng lợi bất chính 3 tỉ đồng.

Quá trình điều tra, bà Hằng được ghi nhận thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra và đã nộp 5 tỉ đồng để khắc phục hậu quả.

Tất cả 12 bị can, trong đó có bị can Phạm Thị Hằng - cựu Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Thanh Hóa, bị truy tố về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" theo Khoản 3, Điều 222, Bộ luật Hình sự. Với điều khoản này, cựu Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Thanh Hóa và 11 bị can khác trong vụ án bị xử trong khung hình phạt từ 10-20 năm tù giam.

Là người tiếp tục ký, hoàn thiện hồ sơ chứng từ và chuyển tiền, hoàn tất gói thầu thứ hai nhưng ông Trần Văn Thức - Giám đốc Sở GDĐT Thanh Hóa không bị cơ quan chức năng xem xét trách nhiệm hình sự.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, khi bà Hằng được điều động, chuyển công tác làm Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa thì ông Trần Văn Thức - Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Thanh Hóa đương nhiệm là người thay bà Phạm Thị Hằng ký các thủ tục thanh toán cho gói thầu số 2 theo trình tự thủ tục quy định, trên cơ sở gói thầu đã triển khai thực hiện và các biên bản nghiệm thu giữa đại diện Sở GDĐT Thanh Hóa, nhà thầu, đơn vị tư vấn giám sát.

Cụ thể, ngày 23.12.2020, ông Trần Văn Thức - Giám đốc Sở GDĐT Thanh Hóa cùng đơn vị tư vấn giám sát và các nhà thầu ký biên bản nghiệm thu. Đến ngày 31.12.2020, các bên ký biên bản thanh lý hợp đồng.

Theo đó, việc thanh toán tiền gói thầu số 2, Sở GDĐT đã thanh toán hơn 87,62 tỉ đồng cho các công ty, đơn vị.

Cũng theo cáo trạng, bản thân ông Thức không biết các sai phạm của các bị can, không được hưởng lợi ích vật chất liên quan đến 2 gói thầu. Do vậy, Cơ quan điều tra không xem xét trách nhiệm hình sự đối với ông Trần Văn Thức.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn